Chống “tự diễn biến”, “Tự chuyển hóa”: Vì sao “lọt lưới”?
Kỳ họp thứ 34 của Ủy ban Kiểm tra T.Ư vừa ra thông báo về những vi phạm đến mức phải kỷ luật đối với một số tổ chức Đảng và đảng viên, càng khẳng định cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai...”.
Tuy nhiên, cũng từ những cán bộ, đảng viên bị kỷ luật lần này còn cho thấy hạn chế của một số tổ chức Đảng hiện nay để “lọt” không ít đảng viên vi phạm; cá biệt có những trường hợp còn được bổ nhiệm, điều động ở những vị trí cao hơn, kể cả khi đã bị cơ quan kiểm tra của Đảng chỉ ra khuyết điểm...
Điển hình như ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế T.Ư. Ngay từ đầu năm 2019, ở cương vị Bộ trưởng - Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ Công thương, ông đã có những việc làm thiếu nêu gương phải công khai xin lỗi Đảng, Nhà nước và nhân dân; thậm chí, tháng 9-2021, Kỳ họp thứ 7 của Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã chỉ ra nhiều vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán sự Đảng, Bộ Công thương, nhiệm kỳ 2016-2021. Thời điểm đó, ông Trần Tuấn Anh ở cương vị Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương. Vậy mà sau đó, không giữ chức Bộ trưởng Bộ Công thương nữa, ông vẫn được Ban Chấp hành Khóa XIII của Đảng, bầu vào Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng ban Kinh tế T.Ư!
Một trường hợp khác cũng rất điển hình, là ông Trịnh Văn Chiến - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, vi phạm kỷ luật gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại rất lớn tiền, tài sản Nhà nước, gây dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Đảng và chính quyền địa phương ngay từ ngày ông Chiến còn là Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa, nhiệm kỳ 2010-2015. Vậy mà ông vẫn tiếp tục được “tín nhiệm” bầu vào BCH T.Ư; Bí thư, Chủ tịch HĐND; Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, kéo dài cho đến tận ngày 2-10-2023 mới bị kỷ luật cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng; gần 2 tháng sau thì bị chính Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố, khám xét nơi ở và áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú về tội "Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí" theo Khoản 3, Điều 219 Bộ luật Hình sự.
Trên đây chỉ là 2 trong không ít trường hợp khác bị tha hóa, biến chất, đã “lọt lưới”, “chui sâu leo cao” hơn vào các vị trí lãnh đạo của Đảng; hầu hết vừa tiếp tục gây hậu quả nghiêm trọng hơn, vừa làm mất niền tin của nhân dân vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Tình trạng “lọt lưới” do nhiều nguyên nhân, như bản thân thiếu ý thức tự tu dưỡng, tự rèn luyện, không khép mình vào khuôn khổ tổ chức, nhưng nguyên nhân chính vẫn là do yếu kém của tổ chức Đảng trực tiếp quản lý đảng viên - vừa vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vừa buông lỏng trong sinh hoạt phê bình và tự phê bình, dẫn đến tình trạng nể nang, xuê xoa, kéo bè, kéo cánh, đặt lợi ích của cá nhân lên trên lợi ích của tập thể, của nhân dân.
Một nguyên nhân nữa, nếu như không muốn nói là nguyên nhân quan trọng nhất, chính là người vi phạm lại đồng thời là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, nên lấp liếm, thậm chí làm tê liệt cả một tập thể chạy theo”vết xe đổ” của mình. Ví dụ như thời kỳ ông Trịnh Văn Chiến là Chủ tịch UBND tỉnh, thì ông Mai Văn Ninh, là Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, cũng cùng vi phạm kỷ luật Đảng trong điều chỉnh quy hoạch; phân bổ, quản lý và sử dụng ngân sách cho một số dự án do Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc tế (AIC) thực hiện, vi phạm pháp luật... Đáng tiếc, sau này ông lại được điều lên, giữ chức Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư!
Cũng chính vì người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng vi phạm, mà Thanh Hóa tuy là một trong 3 địa phương thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh sớm nhất cả nước, nhưng sau 1 năm T.Ư sơ kết lại là tỉnh hoạt động không có hiệu quả! Điều đó cũng dễ hiểu, đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã nhắc nhở những người được Đảng tín nhiệm cử làm nhiệm vụ khó khăn phức tạp này. Tổng Bí thư nói: “Hết sức tránh “chân mình còn lấm bê bê, lại cầm bó đuốc đi rê chân người!".
Chỉ đạo, giải pháp, bước đi, cách làm; điều nên làm; điều nên tránh...trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta thực ra đã quá đầy đủ về mặt lý luận rồi; nếu có sai là do tổ chức thực hiện. Ví dụ như nếu thực hiện đúng như Tổng Bí thư yêu cầu tại một hội nghị phòng, chống tham nhũng thì làm gì có chuyện “bỏ lọt” cán bộ yếu kém như vừa qua?
Tổng Bí thư nói: “Xử lý nghiêm minh, đồng bộ giữa kỷ luật Đảng với xử lý hành chính và xử lý hình sự đối với các hành vi tham nhũng, tiêu cực theo đúng nguyên tắc "Tích cực, khẩn trương; rõ đến đâu xử lý đến đó; không có vùng cấm; đã có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố điều tra và đã kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử...".
Đã đến lúc phải công khai và làm rõ trách nhiệm: Ai phát hiện, ai điều động, ai đề bạt những cán bộ “lọt lưới”?
Huy Thiêm