“Chống tự diễn biến, tự chuyển hóa”: Nêu gương khó không?
Ngày 6-7-2023, có một sự kiện đáng quan tâm về lĩnh vực chấp hành pháp luật về an toàn giao thông (ATGT). Đó là, Hội nghị quán triệt, triển khai Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25-5-2023 của Ban Bí thư T.Ư Đảng (Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trong tình hình mới” (viết tắt là Chỉ thị 23).
Phải ghi nhận rằng: TTATGT gần đây có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc, lo lắng trong xã hội. Theo dõi trên báo chí, chúng ta thấy, từ đầu năm đến nay ở nhiều địa phương vẫn tiếp tục xảy ra các vụ TNGT nghiêm trọng.
Chúng ta phải thừa nhận rằng, thời gian qua, Đảng và Nhà nước rất cố gắng dành nguồn lực để phát triển kết cấu giao thông, như đẩy mạnh đầu tư hệ thống đường bộ cao tốc, hệ thống giao thông kết nối vùng... nhưng sẽ còn rất lâu mới đáp ứng yêu cầu phát triển nói chung và bảo đảm ATGT nói riêng.
Chúng ta cũng dễ nhận thấy một tình trạng chung, không chỉ riêng phát động lập lại TTATGT, thì lúc “phát động” rất “trống dong, cờ mở”, nhưng sau đó bị buông lỏng ngay. Do nhiều nguyên nhân, nhất là những nguyên nhân khách quan như kinh phí đầu tư cho duy trì phong trào; quá tải, bất hợp lý của cơ sở hạ tầng...; đồng thời còn có nguyên nhân là lực lượng duy trì giao thông thiếu gương mẫu, thậm chí có tình trạng “đục nước béo cò” nhận bảo kê, nhận mãi lộ làm nhờn luật.
Mặc dù cách đây 5 năm, ngày 25-10-2018, T.Ư cũng có Quy định số 08-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong lĩnh vực chấp hành luật pháp về TTATGT. Nhưng dường như không còn ai nhớ quy định trên! Và đây là nguyên nhân làm cho “phong trào rơi vào “đầu voi đuôi chuột” nhanh nhất.
Ví dụ như ở T.P Hà Nội, chỉ cần quan sát ở các điểm giao cắt (ngã tư, ngã năm...) sẽ nhận ra rất nhiều người không chấp hành tín hiệu giao thông; hết giờ cao điểm cứ vắng bóng Cảnh sát giao thông (CSGT) là số vượt đèn đỏ, cướp đường xảy ra liên tục. Con người là chủ thể của giao thông, nếu con người chưa tự giác chấp hành luật pháp thì TTATGT khó chuyển biến căn bản.
Chỉ thị 23 của Ban Bí thư lần này có nhiều điểm tích cực. Ví dụ: nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp vào quá trình xử lý các hành vi vi phạm. Trước đây, khi người tham gia giao thông có vi phạm, thường mở điện thoại ra nhờ người quen có quyền, chức “giải cứu”; thậm chí “đe dọa” CSGT làm nhiệm vụ, nhưng nay “quy định cấm”.
Cũng từ khi có Chỉ thị 23 của T.Ư, Chỉ thị số 10 của Thủ tướng, CSGT đã không còn “xuê xoa” với người vi phạm; nhất là tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn, đã thực sự tạo ra chuyển biến và giảm đáng kể số vụ vi phạm giao thông. Để người dân có "Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hoá giao thông an toàn" đòi hỏi phải nâng mức phạt và “Pháp luật bất vị thân”.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị quán triệt, triển khai Chỉ thị số 23, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Trương Thị Mai tiếp tục yêu cầu, nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về ATGT, nhất là đối với cán bộ, đảng viên, cán bộ được giao trách nhiệm trực tiếp. Cán bộ giữ vị trí càng cao, phải càng gương mẫu.
Cũng xin nhắc lại, trước khi có Chỉ thị 23 của T.Ư, tháng 4-2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19-4-2023 “Về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới”.
Theo đó, Thủ tướng nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng; nghiêm cấm lực lượng chức năng "xuê xoa", bỏ qua trong xử lý vi phạm dưới mọi hình thức. Như vậy, về mặt quán triệt, học tập đã “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt”, từ trong Đảng đến hệ thống chính trị.
Ngoài tuyên truyền, giáo dục, điều chúng ta vui mừng là các quy định về xử phạt ngày càng nặng hơn, nghiêm khắc hơn. Mọi cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về ATGT phải được thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, của từng ngành, cơ quan, đơn vị.
Từ đầu năm đến nay, Bộ trưởng Công an nhiều lần chỉ thị lực lượng CSGT tiếp tục kiểm tra, xử lý các trường hợp uống bia, rượu nhưng vẫn tham gia giao thông, để kịp thời ngăn chặn các vụ tai nạn thương tâm. Theo chúng tôi, so với người dân, cán bộ, đảng viên sai phạm cần phải xử lý nghiêm khắc hơn, phạt nặng hơn, để làm gương.
Nêu gương khó không? Tất nhiên là không khó, nếu người tham gia giao thông (có thể đi xe máy, có thể lái xe ô tô) biết kiểm soát bản thân và có trách nhiệm xã hội, trước hết với tính mạng của mình, sau nữa là trách nhiệm trước tính mạng người khác.
Chính không nêu gương của cảnh sát giao thông là phương thuốc hữu hiệu nhất, nhanh nhất vừa làm nhờn luật, vừa tạo ra tâm lý coi thường pháp luật và “coi rẻ” người thực thi pháp luật. Có thời người ta đàm tiếu, ví cảnh sát giao thông, nào là “anh hùng núp”; nào là “thanh bảo kiếm cùn”- nghĩ mà xót xa!
Ngô Đức Hành