Chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”: Giải phẫu tham nhũng để phòng, chống hiệu quả hơn
Không ai có thể phàn nàn về quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng. Cứ nhìn vụ kittest Việt Á, vụ Giải cứu trong đại dịch Covid-19 đã và đang được xử lý như thế nào chúng ta sẽ thấy rất rõ điều này.
Tuy nhiên, các chỉ số CPI năm 2022 lại cho thấy tình trạng nhũng nhiễm khi thực thi công vụ vẫn không giảm, mà ngược lại, còn tăng lên. Nếu năm 2021 có 57,4 % số doanh nghiệp được hỏi thừa nhận tình trạng nhũng nhiễm của các quan chức, thì năm 2022 con số này tăng lên đến 71,7%.
Quả thật, cuộc chiến phòng, chống tham nhũng là một cuộc chiến hết sức cam go.
Cuộc chiến phòng, chống tham nhũng cam go vì một loạt các nguyên nhân. Trong đó có những nguyên nhân nằm ở bản tính tự nhiên của con người. Trước hết, theo đuổi lợi ích vật chất là bản tính tự nhiên của con người. Ai cũng thế và làm gì cũng thế - động lực sâu xa thúc đẩy con người hành động là lợi ích vật chất. Để đạt được lợi ích vật chất thì quyền lực là công cụ hiệu quả nhất. Chính vì vậy tìm cách có được quyền lực, rồi dùng quyền lực để giành lấy lợi ích vật chất là cách làm có từ muôn thủa và có ở khắp nơi. Đây quả thật là nền tảng sinh học của hiện tượng tham nhũng trong xã hội loài người. Nền tảng này chưa thay đổi, thì rủi ro tham nhũng chưa bị loại trừ.
Ngoài ra, hai động lực cơ bản thúc đẩy người ta phấn đấu để có chức, có quyền là: Lợi ích vật chất và Sự công nhận (sự phục tùng, sự ngưỡng mộ, sự tôn vinh). Tuy nhiên, lợi ích vật chất thường là động lực khởi đầu. Và theo quy luật, sau khi lợi ích vật chất được đáp ứng, thì ham muốn được công nhận mới trỗi dậy thật sự mạnh mẽ. Đây cũng là nền tảng sinh học giải thích tại sao có chức quyền thì người ta dễ tham nhũng; và những quan chức được trả lương rất cao ngay từ đầu sẽ ít tham nhũng hơn.
Ham muốn được công nhận có thể thúc đẩy tham nhũng, mà cũng có thể hạn chế tham nhũng. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào hệ giá trị của xã hội. Nếu giàu có mới được xã hội công nhận và được xã hội tôn vinh, thì ham muốn được công nhận rất dễ dẫn đến tham nhũng. Vì tham nhũng trở thành phương tiện để trở nên giàu có. Ngược lại, nếu sự liên khiết, trong sạch được xã hội coi trọng hơn sự giàu có, thì ham muốn được công nhận lại có thể cản trở tham nhũng.
Hiểu bản chất sinh học của hiện tượng tham nhũng là rất quan trọng để thiết kế và xác lập thứ tự ưu tiên cho các giải pháp phòng, chống tham nhũng. Thông thường, các giải pháp phòng, chống tham nhũng được thiết kế thành các nhóm: 1. Nhóm giải pháp để các quan chức không dám tham nhũng, 2. Nhóm giải pháp để các quan chức không thể tham nhũng, 3. Nhóm giải pháp để các quan chức không cần tham nhũng; 4. Nhóm giải pháp để các quan chức không thèm tham nhũng (đây là nhóm giải pháp dựa vào các giá trị đạo đức như liêm chính, trong sạch, chí công, vô tư…).
Mỗi nhóm giải pháp đều có những ưu điểm và những hạn chế nhất định. Nhóm giải pháp thứ nhất tăng cường tính răn đe, nhưng cũng dễ dẫn tới tình trạng thụ động, né tránh trách nhiệm. Nhóm giải pháp thứ hai có thể ngăn chặn triệt để tệ nạn tham nhũng, nhưng rất khó khả thi và rất tốn kém về mặt kỹ thuật. Nhóm giải pháp thứ ba có thể giảm thiểu ham muốn tham nhũng, nhưng phải tăng chi tiêu rất lớn cho tiền lương, phụ cấp và tiền thưởng. Nhóm giải pháp thứ tư rất có tác dụng với các quan chức có đạo đức, nhưng lại ít có tác dụng với các quan chức đã tha hóa.
Vừa qua, ưu tiên phòng, chống tham nhũng của nước ta đang tập trung cho các giải pháp thuộc nhóm 1 - để các quan chức không dám tham nhũng. Thành tựu chúng ta đạt được ở đây là rất đáng ghi nhận. Trong 10 năm qua, đã có hơn 170 cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang bị xử lý kỷ luật. Qua công tác thanh tra, kiểm toán, 44.700 tập thể, cá nhân đã bị xử lý vị phạm. Rõ ràng, trừng phạt vì tội tham nhũng là không có vùng cấm; tính răn đe đối với hành vi tham nhũng đã được tăng cường. Tuy nhiên, tình trạng thụ động, né tránh và đùm đẩy tránh nhiệm lại đang trở thành một vấn đề nóng bỏng. Cuộc khủng hoảng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế là một ví dụ cụ thể về hệ quả trực tiếp của tình trạng nói trên.
Tiếp tục thúc đẩy các giải pháp để các quan chức không dám tham nhũng là cần thiết. Nhưng rõ ràng là cũng cần tăng cường các nhóm giải pháp khác để giảm thiểu tình trạng thụ động, né tránh trách nhiệm của đội ngũ, cán bộ công chức, viên chức đang xảy ra rất nghiêm trọng hiện nay.
Xét về bản chất sinh học của con người thì các nhóm giải pháp thứ 3 - để các quan chức không cần tham nhũng, có vẻ sẽ tác động theo chiều thuận vì vậy sẽ giúp chúng ta giải quyết vấn đề một cách triệt để hơn.
Để tăng lương, thưởng xứng đáng cho các quan chức, chúng ta cần cải cách đồng thời không chỉ chính sách tiền lương, mà còn cả bộ máy hành chính. Cắt giảm biên chế trên cơ sở tăng cường năng lực phải là định hướng chính của công cuộc cải cách ở đây. Khi lợi ích gắn với chức tước đã được bảo đảm một cách hợp lý, thì ham muốn phấn đấu để được công nhận cũng sẽ được kích hoạt. Các quan chức vì vậy cũng cố gắng giữ gìn sự trong sạch và danh tiếng của mình hơn.
Cuối cùng, văn hóa cũng có vai trò rất lớn trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng. Một mặt, văn hóa có thể biện hộ và tạo điều kiện cho việc biếu xén, đút lót và dẫn đến vấn nạn tham nhũng, ví dụ như văn hóa coi trọng lễ nghĩa theo kiểu “ăn quả, nhớ kẻ trồng cây”, văn hóa lên án thói “ăn cháo, đá bát”. Nhưng văn hóa cũng có thể cản trở vấn nạn tham nhũng, như văn hóa coi trọng liêm chính, coi trọng danh dự của người quân tử. Nếu chúng ta chỉ dùng các biện pháp hành chính và hình sự để chống lại các ảnh hưởng của văn hóa, mọi chuyện sẽ rất khó khăn.
Quan trọng hơn và hiệu quả hơn là phát huy những giá trị và truyền thống văn hóa tích cực để chống lại những giá trị và truyền thống văn hóa tiêu cực trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng