Chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”: Bàn thêm về trung thực
Đầu tháng 10-2023, Hội nghị T.Ư 8 (Khóa XIII), đã quyết định thi hành kỷ luật cách hết các chức vụ trong Đảng đối với ông Lê Đức Thọ (Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre).
Theo thông tin được đăng tải công khai trên báo thì “ông Lê Đức Thọ đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập; giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực, không đúng quy định”.
Phải nói rằng, đây là lần đầu tiên một cán bộ cao cấp, chiến lược bị xử lý về việc kê khai tài sản, thu nhập thiếu trung thực - một trong những hành vi được coi là tiêu cực theo quy định của Đảng. Trước đây, chúng ta từng chứng kiến và hoài nghi biện pháp “kê khai tài sản”, với những cán bộ thuộc diện phải kê khai.
Việc kỷ luật ông Lê Đức Thọ càng cho thấy trung thực là một phẩm chất quan trọng của cán bộ, đảng viên với Đảng. Phẩm chất này, thời nào cũng quan trọng, thậm chí là quan trọng nhất trong mọi quan hệ xã hội, chứ không chỉ trong sinh hoạt Đảng.
Trung thực là thật thà, thẳng thắn, không dối trá. Trung thực có các biểu hiện như có quan điểm vững vàng, giữ lời hứa, tuân thủ quy tắc, trung thành, chính trực trong công việc và trách nhiệm cao. Người sống trung thực là người luôn tôn trọng lẽ phải, nói đúng sự thật, dũng cảm nhận lỗi sai.
Mỗi người đều được bố mẹ, nhà trường dạy về trung thực, ngay từ những ngày còn niên thiếu. Đó là một trong những giá trị tạo nên phẩm hạnh, thành tố của căn tính con người.
Đáng tiếc, trung thực đã và đang bị thách thức hơn bao giờ hết. Dường như phẩm chất trung thực của con người, trước hết là cán bộ, đảng viên trong cơ quan, đơn vị, sau đó là con người nói chung đã và đang bị biến thái. Bây giờ đang là thời điểm cuối năm, bắt đầu một kỳ “kiểm điểm cá nhân”, từ kiểm điểm cá nhân, đến tập thể đánh giá phân loại, bình bầu thi đua...
Không biết có ai tự hỏi lòng, trước khi viết báo cáo kiểm điểm mình đã trung thực chưa? Chắc chắn là nhiều “bản kiểm điểm mẫu”, thậm chí cá biệt có bản mẫu được chuẩn bị sẵn nội dung, Chi ủy chuyển qua hộp thư điện tử cá nhân hoặc ứng dụng zalo để đảng viên điền trích yếu bản thân vào là xong...(!). Thêm một câu hỏi: “Tư duy kiểm điểm” lâu nay vẫn áp dụng liệu đã thưc chất chưa, hay ai cũng nhận ra hình thức, đối phó, nhưng vẫn “thừa nhận”?
Chắc chắn những người làm công tác tổ chức, cán bộ phải suy nghĩ để thay đổi công tác đánh giá cán bộ, đảng viên. Không thể duy trì mãi việc viết “Bản kiểm điểm” để bổ sung lý lịch; thi đua, xếp loại thì theo “chỉ tiêu” để chọn đảng viên được “đại diện”. Đó là cách làm hình thức chủ nghĩa. Đáng tiếc đã để kéo quá dài.
Để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Đảng đề cao nguyên tắc “Phê bình và tự phê bình”; thử hỏi trong các hội nghị tổng kết cuối năm từ trong cấp ủy ra chi bộ, tinh thần ấy được thực hiện như thế nào? Chắc chắn là xuê xoa, “chín bỏ làm mười”... Đây không phải là võ đoán. Không khó khi tìm hiểu các vụ tiêu cực, tham nhũng chấn động, nhiều vụ trong số đó từng được đưa vào diện Ban Chỉ đạo T.Ư theo dõi. Có thể nêu, vụ tham nhũng ở Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam. Chỉ vì mâu thuẫn nội bộ, vụ tham nhũng ở đây mới bị phát hiện. Nếu “bộ sậu” ở đây “đoàn kết”, thì chưa hẳn vụ việc đã được phát giác!.
Cán bộ, đảng viên không còn trung thực là một nguy cơ lớn của Đảng cầm quyền. Đáng tiếc, chúng ta mò mẫm vẫn chưa nghĩ ra thể chế luật pháp để định lượng được trung thực hay giả dối ở từng con người. Hơn 15 năm Đảng thực hiện Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho thấy, chỉ giáo dục, vận động không thôi, là không có kết quả.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc giáo dục, rèn luyện đức tính trung thực. Trung thực và trách nhiệm là phẩm chất của đảng viên. Theo quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Giữa trung thực và trách nhiệm có mối quan hệ nhân quả với nhau. Người có cương vị càng lớn thì càng có trách nhiệm cao. Chỉ khi một người trung thực với chính mình, với người khác, trung thực với tổ chức và với Đảng thì họ mới tự nhận thức rõ được trách nhiệm của mình với chính mình, với người khác, với tổ chức, với xã hội và với Đảng.
Chính vì thế, phê bình và tự phê bình trở thành nguyên tắc sinh hoạt Đảng và là quy luật phát triển của Đảng; góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, uy tín của tổ chức Đảng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tâm trạng chung ai nấy đều lo ngại về đức tính trung thực, ở thời kỳ văn hóa nói chung đang có nhiều biểu hiên xuống cấp, hình thức, dối trá...
Liệu xã hội có khôi phục được tính trung thực ở con người. Liệu cán bộ, đảng viên hằng ngày có đấu tranh được với chính mình để trung thực với Đảng nói chung và tổ chức Đảng nơi họ sinh hoạt nói riêng? Đây là cuộc đấu tranh bền bỉ, khó khăn hiện nay, nhưng không thể không làm.
Trung thực, suy cho cùng đó là cuộc đấu tranh vì cái đẹp, vì văn hóa trong Đảng và trong xã hội. Cán bộ, đảng viên cần danh dự, liêm sỉ, vì mục tiêu, lý tưởng cao đẹp của Đảng.
Từ Tâm