Chống tham nhũng xưa và nay
Đặng Huy Trứ (1825-1874) là một nhà nho yêu nước, một vị quan thanh liêm. Cuối đời ông viết một bộ sách nói về nạn hối lộ, tham những và đức thanh liêm của người làm quan. Có đoạn: "Của cải đối với người ta như dầu mỡ đối với đồ vật. Đã dây bẩn thì không thể nào gột sạch. Huống chi ta lấy một thì dưới lấy hàng nghìn. Ta được đầy túi thì dân phải bán nhà, đợ ruộng. Ta có khoản đãi bạn bè thì vợ con của dân chỉ còn cháo. Nghĩ như thế há lại không giữ chữ thanh liêm hay sao? Túi quan có lép thì cũng cố giữ lấy cái nghèo cho toàn danh tiết...".
Minh Mạng lên ngôi vua năm 1820 và trị vì 21 năm. Trong vương triều nhà Nguyễn, ông được nhiều nhà sử học đánh giá là một vị vua sáng. Để tự răn mình, ngay từ khi mới lên ngôi Minh Mạng đã ban Chiếu: "Ta nghe nói đường lối mở thì nước trị, lấp lại thì nước loạn... Người ta muốn lấy hình dáng, tất phải nhờ có gương sáng, vua muốn nghe theo lỗi mình, hẳn phải đợi bầy tôi nói thẳng. Vậy chuẩn cho các quan văn võ ở kinh, từ tứ phẩm trở lên; ở ngoài các quan thành, doanh, trấn đều nghĩ cố gắng cùng nhau tâu lên, xem có phải là lỗi ở tại ta...".
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí từ gốc tức là phải thiết lập một bộ máy nhà nước sao cho những người có quyền hành trong bộ máy đó không thể và không dám phạm vào các tệ nạn đó. Người đã tổ chức bộ máy theo hướng nhà nước pháp quyền với bản Hiến pháp năm 1946. Trong đó, cơ cấu tổ chức quyền lực của bộ máy nhà nước bao gồm các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp tương đối độc lập về mặt tổ chức. Bác Hồ thiết lập một số ban Thanh tra, Tòa án thể hiện tính độc lập như “Ban Thanh tra đặc biệt”, “Tòa án đặc biệt”. Như Sắc lệnh số 261/SL ngày 28-3-1956 về việc thành lập Ban Thanh tra T.Ư của Chính phủ, trong đó quy định rõ nhiệm vụ của Ban này là “thanh tra việc thực hiện kế hoạch nhà nước, việc sử dụng, bảo quản tài sản nhà nước, chống phá hoại, tham ô và lãng phí”. Trong Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân...".
Hiện nay, tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí ở nước ta được nhìn nhận là vấn đề nổi cộm, trở thành các điểm nóng, gây nhiều bức xúc trong xã hội. Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về công tác xây dựng Đảng hiện nay", có nêu: "Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...". Mặc dù Đảng và Nhà nước đã thực hiện nhiều biện pháp khắc phục nhưng tình trạng này chưa có chiều hướng suy giảm.
Tại Hội nghị T.Ư 11 (khóa XI) về Phương hướng công tác nhân sự BCH T.Ư khóa XII xác định: "Kiên quyết không để lọt vào BCH T.Ư những người có một trong các khuyết điểm, như: Bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng, có biểu hiện cơ hội chính trị, nói và làm trái Cương lĩnh, đường lối, nguyên tắc của Đảng... ý thức kỷ luật kém, không chấp hành sự điều động, phân công của tổ chức; kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân và vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính; có vấn đề về lịch sử chính trị hoặc chính trị hiện nay...".
Nhân dân tin tưởng và mong rằng, Đảng sẽ lựa chọn được một tập thể BCH T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII gồm những con người ưu tú, tiêu biểu cho phẩm chất cách mạng, đạo đức trong sáng và tư duy năng động của dân tộc Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử mới.
An Hà