Chống tham nhũng vặt như quét cầu thang
Từ xa xưa, ông cha ta đã có câu: “Con đê ngàn dặm bị vỡ bởi ổ mối”. Đó là lời cảnh báo sâu sắc, rằng những công trình rất vĩ đại có thể tan vỡ không phải vì cuồng phong, hồng thủy mà vì những nguyên nhân tưởng như rất tiểu tiết như một ổ mối. Lịch sử Việt Nam cũng như thế giới từng ghi nhận nhiều vương triều, quốc gia bị tan vỡ bởi những lỗi lầm, khuyết điểm nhỏ nhưng không được ngăn chặn, sửa chữa kịp thời, tích tiểu thành đại.
Nhận thức được vấn đề trên, T.Ư Đảng, Chính phủ xác định một trong những vấn đề ưu tiên của năm 2019 là phòng, chống nạn tham nhũng vặt. Đây chính là một “ổ mối” đe dọa sự phát triển bền vững của chế độ và của đất nước.
Tham nhũng được hiểu tương đối thống nhất là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn và đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để vụ lợi. Còn thế nào là tham nhũng vặt thì hiện nay, các cơ quan chức năng chưa đưa ra một khái niệm hoàn chỉnh. Tuy nhiên, có thể hiểu tham nhũng vặt là hành vi của cán bộ, công chức trong các cơ quan công quyền của Nhà nước, đã lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao để nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc, trong cung cấp dịch vụ công. Từ đó, nhằm buộc hoặc gợi ý doanh nghiệp, người dân phải lo lót, “bôi trơn” vì mục đích vụ lợi. Đặc trưng của tham nhũng vặt là giá trị vật chất, của hối lộ không lớn, thường chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tại Phiên họp thứ 15 của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng và Hội nghị tổng kết công tác Ngành Nội chính Đảng năm 2018 vừa diễn ra, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng: Việc phòng, chống tham nhũng muốn đi vào thực chất, đạt kết quả thực chất từ gốc rễ thì trước tiên phải coi trọng và quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi nạn tham nhũng vặt. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì khẳng định: “Tham nhũng vặt là vấn đề nhân dân rất kêu ca. Tiền không phải quá nhiều nhưng gây phiền lòng người dân. Đây là thói xấu phải lên án, giám sát, có biện pháp kiên quyết để người dân yên tâm chứ không phải cứ đến bệnh viện, trường học, đi xin việc, rồi việc này, việc khác phải đưa phong bì, phong bao”.
Sự nguy hiểm của “ổ mối” tham nhũng vặt là ở chỗ đây là loại tham nhũng nhỏ và đơn giản; diễn ra phổ biến trong các hoạt động của cuộc sống thường ngày, trở thành thông lệ, thói quen khiến nhiều người cảm thấy chưa đến mức bức xúc, dễ tặc lưỡi cho qua, chấp nhận nó như một phần của cuộc sống. Nó là những món quà biếu hoặc hối lộ bằng tiền, văn hóa phong bì, lót tay, bôi trơn, tư duy đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn... Người dân hối lộ công chức, viên chức những món quà, khoản tiền có giá trị nhằm mục đích được việc. Vì vậy mà tham nhũng vặt rất phổ biến trong cuộc sống, đến mức trở thành “việc thường ngày ở huyện”.
Gọi là tham nhũng vặt nhưng sự nguy hại của nó thì không hề “vặt” chút nào. Mỗi hành vi tham nhũng vặt là một lần bào mòn niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước. Tham nhũng vặt diễn ra khá phổ biến lặp đi lặp lại đến mức “đến cửa nào cũng phải tiền”, lâu ngày thành thói quen của cả người dân lẫn cán bộ, công chức ở cơ sở khiến nó ăn sâu vào tư duy và hành động của mọi người, khiến người ta chấp nhận nó như là một nếp văn hóa. Khi nó trở thành nếp văn hóa “được chấp nhận” thì tham nhũng vặt nuôi dưỡng, dung túng tham nhũng lớn, làm xuất hiện xu hướng, tư tưởng chấp nhận “sống chung với tham nhũng” trong cán bộ, công chức và nhân dân.
Bài học đổ vỡ của Liên Xô cho thấy, khi tham nhũng vặt trở thành “việc thường ngày” thì ngay cả đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô cũng trở nên thờ ơ, vô cảm với những mục tiêu, lý tưởng cao đẹp. Cho nên, dù có tới 20 triệu đảng viên nhưng Đảng Cộng sản Liên Xô lúc đó chỉ là “người khổng lồ chân đất sét”, một vài nhân vật chóp bu phá Đảng bằng lời tuyên bố giải thể nhưng không còn ai thiết tha bảo vệ.
Cho nên, chống tham nhũng vặt cũng giống như việc diệt ổ mối, là kế “sâu rễ bền gốc” mà toàn thể nhân dân và hệ thống chính trị cần kiên trì và kiên quyết thực hiện.
Tham nhũng vặt mang tính phổ biến, cho nên việc đầu tiên phải làm là công tác tuyên truyền, giáo dục trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Phải làm cho cả xã hội đạt đến nhận thức chung về sự nguy hiểm của tham nhũng vặt để cùng hành động. Cần xử lý nghiêm minh các vụ việc tham nhũng vặt để răn đe, cảnh tỉnh đội ngũ công chức, viên chức. Cán bộ cấp cao phải nêu gương, phải có dũng khí từ bỏ những “món quà nho nhỏ” tưởng như chỉ là “tình cảm” của cấp dưới. Phòng, chống tham nhũng vặt nhưng cũng giống như phòng, chống tham nhũng lớn, theo quy luật “quét cầu thang”, tức là làm từ trên xuống dưới. Trên mà “nhúng chàm” với những mòn quà “nho nhỏ” thì không thể nào kiên quyết trong chỉ đạo, xử lý tham nhũng vặt. Và cuối cùng, có lẽ cần có những cuộc “vi hành” của lãnh đạo cấp cao, để trực tiếp xử lý một số vụ việc tham nhũng vặt.
Nguyễn Hồng