Chống lãng phí, gọn bộ máy, “nhẹ để bay”

Dự án bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tại tỉnh Hà Nam được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng bị bỏ hoang nhiều năm.

Trong các bài viết và phát biểu tại các diễn đàn gần đây của Tổng Bí thư Tô Lâm cho thấy quyết tâm rất lớn của Đảng về cách mạng số, cách mạng xanh, cách mạng thể chế và chống tham nhũng, lãng phí. Cách mạng số, cách mạng xanh là xu thế phát triển không thể đảo ngược. Đây là cơ hội để đưa đất nước ta vươn mình sánh vai với các cường quốc năm châu. Muốn nắm bắt được cơ hội tốt, tiến hành cách mạng số, cách mạng xanh có hiệu quả và phát triển bền vững cần phải tiến hành cách mạng thể chế, giải quyết điểm nghẽn của các điểm nghẽn, đồng thời tiếp tục chống tham nhũng, lãng phí. Đây là những vẫn đề lớn, vấn đề nóng của đất nước, đang vận hành trong mối quan hệ biện chứng giữa xây và chống mà T.Ư Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm đang đau đáu, đề ra chủ trương, giải pháp, biện pháp phù hợp để thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ, rất khẩn trương.

Riêng về chống lãng phí, mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết. Bài viết này đã và đang được sự quan tâm của đông đảo đảng viên, cán bộ và người dân Việt Nam trong và ngoài nước. Đây là thông điệp mạnh mẽ giúp các ngành, các cấp, mọi nhà, mọi người nhận thực rõ hơn, sâu sắc hơn để thực hiện trách nhiệm chống lãng phí một cách quyết liệt, đồng bộ nhằm đạt được hiệu quả mong muốn, tạo ra nguồn lực, động lực to lớn để đưa đất nước phát triển trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tham nhũng và lãng phí ở nước ta trong nhiều thập niên qua là vô cùng nghiêm trọng. Tham nhũng được coi là quốc nạn, là giặc nội xâm thì lãng phí là một khuyết tật xã hội, cũng là giặc nội xâm, là một căn bệnh trầm kha bao trùm lên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhìn từ góc độ kinh tế và an sinh xã hội, thì lãng phí còn thiệt hại nghiêm trọng hơn tham nhũng và có những lãng phí còn gây bất ổn xã hội. Cả tham nhũng và lãng phí tạo ra nhiều hệ lụy xấu, cản trở, làm chậm, thậm chí làm thụt lùi bước tiến của đất nước ta trên con đường phát triển. Thực trạng tham nhũng và lãng phí ở nước ta đã làm suy yếu các nguồn lực trong nước, làm thui chột năng lực sáng tạo, cản trở thu hút nhân tài… làm mất đi nhiều cơ hội hội nhập hợp tác quốc tế. Đã từ lâu, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết về phòng và chống tham nhũng lãng phí. Tuy nhiên, việc chống tham nhũng đã có những thành công, đã và đang được sự quan tâm của toàn xã hội, đang trở thành nhiệm vụ thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cơ quan chức năng. Còn việc chống lãng phí thì chưa đạt được yêu cầu nêu ra theo các nghị quyết của Đảng.

Lần này, Đảng quyết tâm chống lãng phí, trong đó coi việc tổ chức tinh gọn bộ máy là một cuộc cách mạng. Theo tinh thần đó, với mong muốn bạn đọc tiếp cận thêm các thông tin về thực trạng, nguyên nhân, hệ lụy cũng như các giải pháp, biện pháp cụ thể về nhiệm vụ chống lãng phí qua các bài viết dưới đây:

Bài 1: Lãng phí quá lớn

Sự lãng phí ở nước ta hiện hữu ở khắp mọi nơi, mọi lĩnh vực, mọi ngành, mọi cấp, mọi nhà. Lãng phí về tài nguyên, tài sản công, thời gian, trí tuệ, công sức của con người rất dễ nhận biết. Trong đó có ba nội dung lãng phí vô cùng lớn tác động tiêu cực đến đời sống chính trị, kinh tế, môi trường, an ninh và an sinh xã hội. Đó là, lãng phí tài nguyên, lãng phí tài sản công và lãng phí nhân lực, nhân tài đất nước.

Lãng phí tài nguyên

Trước hết nói về sự lãng phí trong quản lý khai tác tài nguyên. Từ câu chuyện khai thác các loại khoáng sản nhằm tạo thêm nguồn vốn đầu tư công, khai thác các loại tài nguyên để làm vật liệu xây dựng đến việc khai thác không gian mặt đất, mặt nước của các tổ chức và cá nhân để triển khai các dự án, ở đâu cũng có chuyện lãng phí xảy ra. Gỗ trong rừng, đá, cát, sỏi, đất trong lòng đất, mấy chục năm qua được quản lý và khai thác như thế nào thì ai cũng rõ. Tiền được sinh ra từ việc khai thác tài nguyên lẽ ra được chảy hết vào túi ngân sách do Nhà nước quản lý, nhưng trên thực tế bị thất thoát rất nhiều. Thời gian gần đây, Nhà nước đã có những chế tài, chế định pháp lý, quản lý chặt chẽ việc cấp phép và thực hiện khai thác tài nguyên nói trên nhưng vẫn còn những bất cập, khó khăn và vẫn còn nhiều lãng phí.

Sự lãng phí trong quản lý tài nguyên của nhiều thập niên qua, bài viết này muốn nhấn mạnh, phân tích sâu thêm ở đây chính là việc sử dụng diện tích đất và nước để làm các dự án kinh tế thương mại, “tâm linh”. Câu chuyện này không chỉ là sự lãng phí lớn về tiền của của nhân dân mà còn tạo ra những bất bình, bức xúc lớn trong xã hội. Vì quy hoạch treo, dự án treo mà nhiều nơi người từ hy vọng sang thất vọng. Người dân trong khu vực bị ảnh hưởng chữ “treo” kiến nghị, khiếu nại mãi không được gì, chấp nhận số phận sống mòn, sống lay lắt với quảng đời còn lại. Một số cơ quan báo chí nhận định: Tình trạng “quy hoạch treo”, “dự án treo” không chỉ kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội mà còn khiến người dân trong khu vực này bức xúc vì “khổ sở từ đời này qua đời khác”. Chỉ riêng T.P Hồ Chí Minh, theo phản ánh của VOV đến cuối năm 2022, T.P Hồ Chí Minh có hơn 300 dự án treo gây bức xúc cho người dân. Theo bài đăng trên báo Lao Động điện tử, ngày 26-3-2024, Hà Nội loay hoay xử lý 712 dự án treo, chậm tiến độ triển khai. Trong đó số dự án treo gây bức xúc cho người dân là bao nhiêu thì không có thông kê, nhưng trên thực tế dự án treo hàng chục năm thì ở đâu cũng gây bất bình bức xúc trong cộng đồng dân cư địa phương.

Tra từ khoá và đọc các bài viết về “quy hoặch treo”, “dự án treo” trên báo chí điện tử và mạng xã hội, chúng ta mới thấy hết bức tranh chung rất ảm đạm của cả nước về chữ “treo” nói trên và hệ lụy phức tạp, nghiêm trọng của nó.
Để khắc phục tình trạng quy hoạch, dự án treo, ngoài việc tích cực hoàn thiện hệ thống pháp luật, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng và các địa phương đã có những động thái tích cực. Ngày 5-6-2023, Bộ Xây dựng có Văn bản số 2390/BXD-QHKT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tăng cường rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện, quy hoạch chung xây dựng xã để phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; tổ chức rà soát các cấp độ quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng đã được lập, phê duyệt trên địa bàn, đồng thời rà soát lại những dự án chậm triển khai, dự án đã bị thu hồi để điều chỉnh quy hoạch theo quy định pháp luật; bổ sung nội dung về quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị (nếu có); bảo đảm sự thống nhất giữa các cấp độ quy hoạch, giúp thực hiện quản lý phát triển đô thị và lập dự án đầu tư xây dựng hiệu quả, đồng bộ.

Theo đó, cuối tháng 6-2024, Hà Nội có 153 dự án buộc phải thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất, chấm dứt hoạt động, dừng triển khai hoặc chấm dứt việc giao chủ đầu tư nghiên cứu lập quy hoạch. Cùng với Hà Nội, nhiều nơi khác cũng đã rà soát lại các quy hoạch, dự án treo để có biện pháp xử lý mạnh hơn.

Mặc dù Chính phủ và cơ quan có trách nhiệm thẩm quyền cũng như chính quyền nhiều địa phương đã quan tâm đến quy hoạch, dự án treo, gần đây thực hiện ý kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm, sự quan tâm này quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, nhưng cho đến nay mọi chuyện về thực trạng, nhìn tổng quan trong cả nước dường như vẫn còn nguyên như cũ.

Tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội ngày 26-10-2024 của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khoá XV, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu sự lãng phí trong quy hoạch và dự án treo. Tổng Bí thư lấy thí dụ về dự án chống ngập lụt ở T.P Hồ Chí Minh, dự án bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức (cơ sở 2 ở Hà Nam) và câu chuyện “treo” ngân sách trong đầu tư công. Và trong nhiều diễn đàn khác, Tổng Bí thư nêu nhiều thì dụ cụ thể khác về lãng phí đất đai. Đây là những dẫn chứng đầy thuyết phục liên quan đến chống tham nhũng, lãng phí cũng như tìm giải pháp hóa giải những hệ lụy phức tạp từ sự lãng phí hiện nay. Cùng với phát ngôn của Tổng Bí thư, gần đây, báo chí đã điểm mặt các dự án treo có quy mô hàng nghìn tỷ đồng, thời gian treo đã rất dài, có những dự án đã trên 30 năm, chúng ta càng thấm thía, xót xa về sự lãng phí tài nguyên đất và nước trong nhiều thập niên qua.

Có thể nói trên đất nước ta đang tồn tại hàng nghìn dự án treo, hàng trăm bản quy hoạch không được thực hiện đã tạo ra sự lãng phí không lồ. Hàng triệu héc-ta đất vốn là bờ xôi ruộng mật do quy hoạch, dự án treo đã bị bỏ hoang, hoặc bị sử dụng “ngắn hạn” thu lợi cho người sử dụng chui và nhóm lợi ích ở địa phương, cơ sở. Và trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, hàng vạn héc-ta đất vốn là đất nông nghiệp, đất công… đã thành đất vàng, đất ở vị trí đắc địa, giá trị sinh lợi “bỗng dưng” gấp trăm, gấp nghìn lần giá gốc. Khoản chênh lệch khổng lồ này cũng chỉ có một phần nhỏ vào túi ngân sách nhà nước qua việc thu thuế.

Lãng phí tài sản công

Trong lãng phí tài sản công có hai vấn đề cũng rất nhức nhối, đó là lãng phí ngân sách và lãng phí trong xây dựng, quản lý sử dụng công sở, nhà công vụ, mua sắm và sử dụng ô tô, xe máy, nhiên liệu và nhiều trang bị, thiết bị công tác khác. Bài viết này chỉ đi sâu phân tích về lãng phí ngân sách. Lãng phí ngân sách có 2 phần, phần thu được và phần không thu được. Phần không thu được là thất thu thuế. Chủ thể kinh tế có nghĩa vụ nộp thuế thường tìm cách trốn thuế hoặc lách luật để nộp ở mức thấp hơn thực tế doanh thu. Đó là câu chuyện tồn tại của kinh doanh truyền thống. Còn kinh doanh trên nền tảng số, nhất là thị trường Crypto, Nhà nước chưa có khung pháp lý để quản lý. Theo thông tin mới trên báo chí, nước ta có lượng giao dịch thị trường tài sản số đứng tốp thứ 4 trên thế giới. Nhà nước không thu được thuế trong thị trường này cũng là một lãng phí rất lớn. Ở đây chỉ xin nói sâu việc quản lý sử dụng ngân sách đã có. Điều mà ai cũng biết, bộ máy Nhà nước ta lâu nay cồng kềnh và kém hiệu lực. Số lượng đối tượng hưởng lương từ ngân sách quá lớn. Hiện nước ta trung bình có 9 người dân nuôi 1 công chức, viên chức. Trong khi, Nhật, Mỹ, có trên 400 người dân nuôi 1 công chức, viên chức; Thái Lan có hơn 45 người dân nuôi 1 công chức, viên chức… Hằng năm phải chi một số tiền quá lớn để trả lương cho công chức, viên chức, LLVT, người lao động trong đơn vị sự nghiệp công, trong các hội, đoàn thể của cả hệ thống chính trị. Đồng thời cũng tiêu tốn một khoản tiền quá lớn để bảo đảm thực hiện chức năng nhiệm vụ của từng tổ chức. Tính ra, gần 70% tiền ngân sách chi cho việc trả lương và chi thường xuyên cho các hoạt động của cả hệ thống chính trị. Đây là một tỷ lệ quá cao so với các nước khác. Điều này vừa làm suy yếu nguồn lực đầu tư nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển của đất nước vừa thể hiện sự bất cập, yếu kém trong quản lý nhà nước, quản trị quốc gia đã kéo dài qua nhiều thập niên. Mặc dù T.Ư Đảng đã có nhiều Nghị quyết về tinh giản tổ chức, biên chế, nhiều cấp, nhiều ngành đã triển khai thực hiện, và đã đạt được những kết quả nhất định; tuy nhiên so với yêu cầu phát triển cũng như khắc phục sự bất công xã hội trong sử dụng ngân sách thì chưa đáp ứng được.

Sự lãng phí trong tổ chức và hoạt động của bộ máy, cộng lại là tiêu tốn một một lượng ngân sách quá lớn mà trong đó vừa có cả chi phí hữu ích và chi phí vô ích. Giá trị và giá trị thặng dư được tích lũy từ sức lao động của cộng đồng được dùng để trả lương cho những người trong bộ máy, trong đó có những người xứng đáng được hưởng và cả những người không xứng đáng được hưởng. Trả cho cả những người làm được việc và những người không làm việc, hoặc làm hỏng việc; thậm chí là trả cho cả những người thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng và trả cho những người chuyên tìm mọi cách để dục khoét, bòn rút của công.

Mặt khác do chức năng nhiệm vụ của các tổ chức trong bộ máy chồng chéo, trùng lặp nên việc chi trả tiền lương và các chi phí bảo đảm cho các hoạt động thực hiện nhiệm vụ cũng bị trùng lặp. Lẽ ra ngân sách chỉ chi trả cho một nơi lại phải chi cho nhiều nơi. Ngân sách nhà nước lâu nay giống như một miếng bánh bị chia ra không chỉ vì nhiệm vụ từ chủ trương, nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước mà còn lãng phí rất lớn vào những việc vô bổ, thậm chí là có hại. Nhiều nơi thiếu tiền để chi cho những việc chính đáng thì không có để chi, ngược lại có nhiều nơi thừa tiền không biết chi vào đâu, phải lập kế hoạch, chứng từ khống để chi hết lượng ngân sách được cấp. Trong bộ máy, có khi người tâm huyết, cống hiến, làm được nhiều việc, thu nhập của họ chưa tương xứng với sự cống hiến, ngược lại người làm không được việc, hoặc làm hỏng việc lại có của chìm của nổi.

Lãng phí nhân lực, nhân tài

Cho đến nay, chưa có một thống kê nào để ước lượng được việc lãng phí trong xây dựng, quản lý sử dụng nguồn nhân lực, cũng như lãng phí nhân tài, chất xám. Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng nền giáo dục, thực trạng công tác quản lý lao động, công tác tổ chức cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, doanh nhân, sĩ quan, trong đó có cả việc đào tạo, quản lý giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, văn nghệ sĩ, thì rất nhiều đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học… đều có nhận định: Lãng phí nguồn nhân lực, đặc biệt là lãng phí nhân tài ở nước ta cũng rất nghiêm trọng. Có người còn cho rằng đây là lãng phí lớn nhất. Tỷ lệ người có đức, có tài, có chỗ để phát huy tài năng, được bố trí nhiệm vụ phù hợp để cống hiến còn rất thấp. Lãng phí nhân lực, nhân tài là nguyên nhân của lãng phí khác. Tỷ lệ người có đức, có tài có chỗ phù hợp để cống hiến càng cao thì sức năng động, sức mạnh của cả hệ thống chính trị cũng như sự năng động trong phát triển kinh tế - xã hội sẽ được nhân lên gấp bội.

Nguyễn Hòa Văn

(còn nữa)