Đó là nhận xét của một nhà nghiên cứu nước ngoài về người Việt. Nhận xét thẳng thắn đó có vẻ đúng khi soi chiếu vào trường hợp hai ông già kiên trì đấu tranh chống tiêu cực trong vụ làm hồ sơ thương binh giả ở Thuận Thành (Bắc Ninh): Nguyễn Tiến Lãng và Nguyễn Công Uẩn. Hai ông tâm sự rằng họ đã đơn độc trong suốt hành trình 7 năm đấu tranh vạch rõ các sai phạm. Vợ con các ông, những người luôn tự hào về danh hiệu CCB của chồng, cha mình cũng ra sức ngăn cản các ông chống tiêu cực. Vì họ sợ liên lụy, sợ bị trả thù bởi “đấu tranh thì tránh đâu”.

Do công việc làm báo, tôi có điều kiện thường xuyên tiếp xúc với các CCB, rất nhiều trong số họ được tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND hoặc dũng sĩ diệt ngoại xâm. Nhiều người thốt lên rằng, chống giặc nội xâm hóa ra còn khó hơn chống giặc ngoại xâm nhiều lần. Nhiều người trước đây là người dũng cảm nhưng trước cám dỗ của những lợi ích vật chất hay những lợi ích nhóm của gia đình, họ hàng, người quen, đồng đội, họ đành buông xuôi, bất lực; nặng hơn thì có người theo đuôi, “tự chuyển hóa” về phe tiêu cực. Một số khác thì cay đắng nói rằng, họ quá đơn độc trong cuộc chiến chống lại những hư hỏng, xấu xa của xã hội đương thời. Chi bộ, làng xóm hay đồng đội một thời không chia sẻ, hỗ trợ họ; thậm chí còn cản trở, gây khó dễ cho họ khi đứng ra chống tiêu cực.

Chính vì thế mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Chống tham nhũng phải trở thành phong trào tự giác trong quần chúng thì mới thành công, đánh giá thành tích chống tham nhũng không phải qua những vụ việc đơn lẻ. Phải tạo ra lò lửa chống tham nhũng, kiên quyết không để “trên nóng, dưới lạnh”; khi “lò đã nóng lên rồi thì củi tươi cũng phải cháy”...

Những kẻ tham nhũng dù chức trọng, quyền cao, ô dù lớn và thâm độc đến mấy cũng rất sợ người dám đấu tranh. Đó là “gót chân Asin” của những kẻ “nhúng chàm”. Mỗi công dân nếu được trang bị kiến thức tâm lý này hẳn sẽ can đảm hơn khi tham gia chống tiêu cực.

Hồng Nguyễn