“Chọn vợ, tìm chồng” trong Hát trống quân
Hát trống quân ở xã Đức Bác, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc.
Sau này, Hát trống quân không chỉ dịp Tết Trung thu, mà cứ “bén duyên” là hát. “Sân chơi” được tổ chức tự do, ở mọi lúc mọi nơi. Có thể hát khi đi cầy, làm cỏ, lúc nghỉ bên vệ đường... phần nhiều là để giải trí. Trống quân phát triển rực rỡ nhất vào thời kỳ trước Cách mạng Tháng tám năm 1945.
Đây là hình thức hát giao duyên đối nhau, một bên là "Hát xướng", một bên là "Hát đáp". Khi hát, gõ vào tang trống để dẫn nhịp, bên nào hát dứt câu thì đánh vào trống để vừa làm nhịp “lưu không” vừa để thúc giục bên kia hát đáp lại. Do bản chất của Hát trống quân là hình thức hát đối đáp giữa trai và gái nên tình yêu nam nữ vẫn là chủ đề nổi bật, biểu hiện ngay từ cách xưng hô: anh – em; ta – mình; chàng – nàng... Ví dụ: Trên trời (thời) có đám mây xanh/ Ở giữa (thời) mây trắng (ấy)/ Chung quanh mây bển vàng (ư...) - "Lưu không"/ Ước gì (thời) anh lấy được nàng thì anh (này)/ Mua gạch (ấy) Bát Tràng đem về xây (ư...) - "Lưu không"...
Nghệ thuật Hát trống quân tưởng như đơn giản, nhưng rất khó, thường là những ai có lòng đam mê, điềm tĩnh, nhanh trí, tự tin, khả năng ứng đối linh hoạt, nhanh nhẹn mới đối đáp kịp theo nhịp phía bên kia. Chính vì thế mà cứ đến Hội trống quân con trai, con gái từ khắp mọi nơi lại tấp nập kéo nhau về đêm hội cùng so tài, đối đáp hết đêm này, sang đêm khác cho đến khi tìm được bạn trăm năm.
Trong bài “Thẳm sâu nghệ thuật Hát trống quân” Nhà nghiên cứu Văn học Dân gian Vũ Đức Bình đã đưa ra con số thống kê, có tới gần 80% các cặp trai gái (trong làng và nơi khác đến) nên duyên vợ chồng từ Hội trống quân ở làng Bùi Xá, xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh...
Tuy hát trống quân đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia ở tỉnh Hưng Yên; xã Thúc Kháng (Hải Dương) và làng Bùi Xá (Bắc Ninh), nhưng do nhiều nguyên nhân việc bảo tồn, phát huy giá trị độc đáo của loại hình nghệ thuật dân gian này đang gặp rất nhiều khó khăn.
Nếu thiếu sự quan tâm, vào cuộc ngay của các cấp, các ngành có trách nhiệm thì chắc chắn Hát trống quân sẽ chỉ còn là “chuyện xưa kể lại” thôi.
Phạm Đông