Chơi chuyền - Chơi mà học

Đồ chơi gồm 10 que và một quả chuyền nhỏ như quả chanh, chỗ ngồi đủ rộng cho từ hai đến năm bạn cùng chơi. Cách chơi: Cầm quả chuyền ở tay phải tung lên không trung quá đầu, mắt nhìn quan sát để vừa nhặt được que theo thứ tự từ 1 que (bàn một); 2 que (bàn hai)... đến bàn mười; vừa đón được quả chuyền, vừa kết hợp hát những câu đồng giao phù hợp với từng bàn, từng chặng; để rơi quả chuyền là mất lượt - thua.

Ví dụ: Bàn 1: Cái mốt, cái mai, con trai, cái hến, con nhện, vương tơ, quả mơ, quả mít, chuột chít, lên bàn đôi. Bàn 2: Đôi tôi, đôi chị, đôi cành thị, đôi cành na, đôi lên ba...

Cứ thế lần lượt từ em nay sang em khác, bàn sau khó hơn bàn trước, thắng được tính điểm, thua thì mất ván. Đây là trò chơi nhẹ nhàng, mà rất vui, hợp với tính cách các bé gái, nhưng cũng không hiếm bé trai chơi; đơn giản nhưng lại rất bổ ích vì để thắng được, người chơi phải nhanh tay, nhanh mắt, nhanh miệng - vô hình trung đã vừa rèn luyện được tính khéo léo kiên trì, vừa luyện được mắt, luyện tay, luyện trí nhớ...

Vào khoảng những năm 1980 về trước, chơi chuyền rất phổ biến ở học sinh từ cuối cấp I (nay là tiểu học) đến cấp III (nay là trung học phổ thông); học sinh ở các vùng quê chơi nhiều hơn học sinh thành thị; phía Bắc, nhiều hơn phía Nam... Thường trong suốt mùa hè hoặc mùa thu, các em nhỏ chơi chuyền ở khắp mọi nơi, dưới bóng cây hay ở sân nhà...

Rất tiếc là trò chơi này đang ngày một mất dần đi. Đến nay họa hiếm lắm mới thấy học sinh ở một số vùng quê đồng bào vùng sâu vùng xa còn chơi (có suy nghĩ sai là, nghèo học sinh mới chơi chuyền).

Cuối năm 2017 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có cuộc khảo sát ngẫu nhiên ở 14 trường Trung học phổ thông cơ sở trong cả nước và điều đáng buồn là hầu hết các em học sinh đã không còn biết chơi chuyền là gì!

Chính vì “bỏ rơi” thú chơi chuyền nói riêng và nhiều trò chơi dân gian khác nói chung mà các em học sinh đã mất hẳn một môi trường rèn luyện nhân cách tốt, vì với con trẻ không gì rèn luyện, tu dưỡng tốt hơn, hiệu quả hơn là thông qua các trò chơi dân gian bổ ích - học mà chơi, chơi mà học.

Trong khi chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa các trò chơi dân gian vào môn học chính khóa, các ông bố, bà mẹ trẻ ngay hôm nay, hay ngày mai hãy sắm một bộ đồ chơi chuyền, rồi chơi với con (nhớ là có thưởng nhé).

Khi con “mê” môn chơi rồi thì kéo bạn con sang chơi cùng. Hôm sau sẽ không khỏi ngạc nhiên khi trong cặp sách của chúng còn có bộ chơi chuyền- Như thế là bạn đã tìm lại cho con bạn “một vé của tuổi thơ” mà người lớn vô tình đánh mất của chúng lâu lâu rồi.

Phạm Đông