**Cho thuê đất chồng lấn! **
Theo hồ sơ và tài liệu cho thấy, ngày 16-6-2004, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam ký Quyết định số 797/QĐ-UB phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu công nghiệp Đồng Văn II. Chủ đầu tư dự án là Cty CP Ata. Đến ngày 7-9-2004, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam tiếp tục ký Quyết định số 1181/QĐ-UB cho phép chuyển đổi chủ đầu tư từ Cty CP Ata sang Cty CP phát triển Hà Nam (gọi tắt Cty HNC) để tiếp tục triển khai dự án. Theo đó, UBND tỉnh Hà Nam cho phép chủ đầu tư thực hiện dự án làm 2 giai đoạn: “Đợt 1: 2005 – 2007; Đợt 2: 2008 – 2010”. Trước khi chuyển chủ đầu tư, Công ty CP Ata đã thực hiện được các bước của dự án như: GPMB và đầu tư xây dựng hạ tầng theo hình thức cuốn chiếu và cho thuê đất...
Từ năm 2006 – 2007, sau khi chuyển tên chủ đầu tư, Cty HNC đã ký 4 hợp đồng cho thuê lại đất tại KCN Đồng Văn II, tỉnh Hà Nam với Cty TNHH Ata Paitn (3 hợp đồng) và Công ty TNHH Hanstar (1 hợp đồng). Hiện nay, 2 công ty này đã sáp nhập và đổi tên thành Cty CP Ata Paint Hà Nam.
Tuy nhiên, từ năm 2011 - 2014, trên vị trí lô đất thuộc hợp đồng thuê đất số 27 và 31 ký với Cty TNHH Ata Paitn và Cty Hanstar (nay là Cty CP Ata Paint Hà Nam), Cty HNC cho nhiều Cty của nước ngoài thuê lại, trong khi còn nhiều vướng mắc chưa được giải quyết dứt điểm.
Tháng 10-2015, ông Phạm Như Hùng - Giám đốc Cty HNC gửi đơn kiện ra TAND huyện Duy Tiên, yêu cầu Tòa án tuyên 4 hợp đồng thuê lại đất giữa công ty này và Cty CP Ata Paint Hà Nam là vô hiệu.
Trong đơn khởi kiện, Cty HNC cho rằng cả 4 hợp đồng thuê lại đất này đều vô hiệu do vi phạm pháp luật về nội dung và hình thức. Cụ thể, Điều 111 Luật Đất đai năm 2003 quy định việc cho thuê lại đất đã được xây dựng xong kết cấu hạ tầng trong trường hợp được phép đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng tại KCN.
Tại thời điểm ký kết hợp đồng cho thuê lại đất, Cty HNC chưa được UBND tỉnh Hà Nam giao đất. Đến ngày 18-10-2006, UBND tỉnh Hà Nam mới ban hành Quyết định 1049/QĐ-UBND giao cho Cty HNC thuê trên 2,4 triệu m2 đất để sử dụng vào mục đích đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Đồng Văn II theo dự án đã được phê duyệt.
Ngày 18-9-2009, giữa UBND tỉnh Hà Nam và Cty HNC mới ký kết hợp đồng thuê đất số 51/HĐTĐ. Đến ngày 6-11-2009, Cty HNC mới được UBND tỉnh Hà Nam cấp GCNQSD đất thuê đối với diện tích được giao nêu trên.
Do đó, Cty HNC yêu cầu TAND huyện Duy Tiên tuyên hợp đồng cho thuê lại đất giữa công ty này với Cty CP Ata Paint Hà Nam vô hiệu; đề nghị tòa án giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu đối với 4 hợp đồng thuê đất trên theo quy định của pháp luật và yêu cầu Cty CP Ata Paint Hà Nam trả lại nguyên trạng diện tích đất thuê theo 4 hợp đồng đã ký kết trên cho Cty HNC.

Khởi kiện bị... phản tố
Sau khi nộp đơn khởi kiện, qua làm việc ban đầu, Cty HNC lại rút đơn khởi kiện ở Hợp đồng thuê lại đất số 27 và 31, chỉ khởi kiện Hợp đồng số 25 và 26. Tuy nhiên, Cty CP Ata Paint Hà Nam có đơn phản tố lại nội dung này.
Theo đơn phản tố của Cty CP Ata Paint Hà Nam: Tại vị trí thuê đất nằm trong Hợp đồng số 27 và 31 mà đơn vị này đã thuê nhưng Cty HNC đã chiếm đoạt bằng cách cho nhiều công ty nước ngoài thuê lại. Do đó, khi thẩm định và xác minh đơn khởi kiện, TAND huyện Duy Tiên xác định không có mặt bằng như đơn khởi kiện nên Cty HNC đã rút lại phần khởi kiện Hợp đồng số 27 và 31. Điều này cũng chứng tỏ Hợp đồng thuê đất số 27 và 31 đang có hiệu lực.
Theo ông Phạm Văn Ảnh - nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển Hà Nam (hiện ông Ảnh là Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn ATA, có Trụ sở đăng ký tại: Lô P, KCN Đồng Văn II, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) cho rằng, việc HNC cho các doanh nghiệp nước ngoài thuê đất chồng chéo lên vị trí lô đất đã ký hợp đồng với Cty CP Ata Paint Hà Nam khi hai bên chưa giải quyết dứt điểm tranh chấp, chứng tỏ HNC có dấu hiệu lừa dối các công ty nước ngoài gồm: Cty TNHH Hashima Việt Nam, Cty TNHH Osawa Việt Nam, Cty Fujigen Việt Nam, Cty TNHH Yokowo Việt Nam, Cty TNHH Technomeiji Rubber Việt Nam, Cty TNHH Afix Việt Nam, Cty TNHH Hà Nội Maruito,… Tính riêng việc Hợp đồng 31 không được triển khai, dẫn đến thiệt hại cho Cty CP Ata Paint Hà Nam là khoảng 112 tỷ đồng.
Mặt khác, sau khi ký Hợp đồng thuê đất số 27 với Cty TNHH Hanstar (nay là Cty CP Ata Paint Hà Nam), Cty HNC không bàn giao mặt bằng có đủ cơ sở hạ tầng, dẫn đến Cty Hanstar (cũ) không có mặt bằng thuận lợi để hoạt động, chậm đầu tư dự án Nhà máy Bao bì nhựa công nghiệp Hanstar, nên UBND tỉnh Hà Nam thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đã cấp cho Cty Hanstar. Việc chậm bàn giao mặt bằng dẫn đến tài sải là thiết bị, máy móc do công ty đầu tư mua sắm không thể đi vào hoạt động khiến doanh nghiệp phá sản và phải sáp nhập vào Cty CP Ata. Đối với hợp đồng này, Cty CP Ata Paint Hà Nam đã có đơn phản tố yêu cầu Cty HNC bồi thường thiệt hại 20 tỷ đồng.


Vẫn theo ông Ảnh, để che lấp cho việc thuê đất chồng chéo, “bịt mắt” các doanh nghiệp nước ngoài vào thuê đất, Cty HNC gửi 2 công văn đơn phương thông báo chấm dứt Hợp đồng thuê đất số 27 và 31 với Cty CP Ata Paint Hà Nam khi các vấn đề về tranh chấp giữa hai bên chưa thỏa thuận xong.
“Đáng ra, khi hai bên không đạt được thỏa thuận thì vụ việc sẽ phải được xem xét ở tòa án, tuy nhiên, khi chưa có một cấp tòa án nào xem xét giải quyết sự việc này nhưng Cty HNC đã cho hàng loạt công ty nước ngoài vào thuê đất chồng lấn lên hai Hợp đồng số 27 và 31 ký với công ty của chúng tôi từ năm 2006, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của Cty CP Ata Paint Hà Nam...” - ông Ảnh nói.
Từ đó, Cty CP Ata Paint Hà Nam có đơn phản tố, gửi TAND huyện Duy Tiên yêu cầu Tòa tuyên vô hiệu các hợp đồng và biên bản thuê đất được ký giữa Cty HNC với các công ty nước ngoài nêu trên là vô hiệu; yêu cầu Cty HNC phải bồi thường thiệt hại do Cty Hanstar bị ảnh hưởng dẫn đến phá sản với số tiền là 20 tỷ đồng.
Liên quan đến vụ kiện trên, trao đổi với ông Nguyễn Tiến Đông - Chánh án TAND huyện Duy Tiên, ông Đông cho biết: Do vụ án có liên quan đến doanh nghiệp nước ngoài nên TAND huyện Duy Tiên đã chuyển hồ sơ vụ án lên TAND tỉnh Hà Nam xem xét, giải quyết theo thẩm quyền...
Bài và ảnh: Doanh Chính***Công ty CP Phát triển Hà Nam là công ty con của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam (Gọi tắt là VID). Trước khi khởi kiện, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường là Chủ tịch HĐQT VID. Bà Hường là Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII và tiếp tục trúng cử ĐBQH khóa XIV. Tuy nhiên, tháng 7 vừa qua, bà Hường bị phát hiện có quốc tịch Malta, nhưng trong hồ sơ ứng cử ĐBQH khóa XIV, phần kê khai tài sản ghi không có tiền và tài khoản nước ngoài, không thể hiện quốc tịch Malta. Do đó, Hội đồng bầu cử Quốc gia họp và đã bỏ phiếu kín, kết quả 100% thành viên Hội đồng có mặt biểu quyết xác nhận bà Hường không đủ tư cách ĐBQH khóa XIV. ***