Chính trị hóa thể thao
Đồng hồ đếm ngược đến Olympic tại Bắc Kinh (Trung Quốc).
Olympic mùa Đông được tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc) từ ngày 4 đến 20-2-2022. Như vậy, chỉ còn hơn 1 tháng nữa, một sự kiện thể thao tầm cỡ thế giới sẽ diễn ra thu hút sự chú ý của người chuộng yêu thể thao, yêu tinh thần thể thao, tôn trọng tinh thần Olympic. Thế nhưng, sự kiện mà Trung Quốc đã chuẩn bị từ nhiều năm nay tới giờ lại không thu hút được sự quan tâm về thể thao theo đúng nghĩa bởi những hành động chính trị đã lấn át thể thao.
Sau một thời gian nói bóng, nói gió, đầu tháng 12-2021, Nhà Trắng đã loan báo quyết định cuối cùng của Tổng thống Mỹ - Joe Biden sẽkhông cử đại diện ngoại giao đến Olympic mùa Đông 2022 tại Bắc Kinh. Theo sau quyết định của Mỹ, ngay lập tức Australia, Anh, Canada cũng có hành động tương tự. Việc các nước không cử đại diện ngoại giao tới tham dự lễ khai mạc các sự kiện Olympic thường được coi là các hành động tẩy chay, phản đối nước chủ nhà. Việc tẩy chay có thể bởi lý do nào đó mà nước tẩy chay cho là chính đáng tuy nhiên dù với lý do gì thì có thể hiểu là quan hệ giữa hai nước không tốt khiến không thể giải quyết được bất đồng. Trong việc tẩy chay, phía Mỹ thông báo vì có những vi phạm về nhân quyền ở Tân Cương (Trung Quốc). Không dừng lại ở việc tẩy chay Olympic mùa Đông Bắc Kinh, ngày 23-12, ông Biden ký ban hành dự luật cấm nhập khẩu toàn bộ hàng hóa từ Tân Cương, nhằm đối phó quan ngại về tình trạng ép buộc lao động tại đây.
Lẽ dĩ nhiên, Trung Quốc không đồng tình với quan điểm và hành động của Mỹ trên nhiều lĩnh vực nhằm vào nước này từ trước tới nay và giờ là “chính trị hóa thể thao”. "Mỹ sẽ phải trả giá cho hành động sai lầm của mình. Chúng ta hãy chờ xem" - Hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn Triệu Lập Kiên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói ngày 7-12, sau khi Nhà Trắng thông báo tẩy chay Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022. Trong khi đó, Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ - ông Liu Pengyu thì mềm mỏng hơn, khẳng định: Quyết định của Washington sẽ không ảnh hưởng đến việc Trung Quốc tổ chức thành công sự kiện thể thao này.
“Vắng cô thì chợ vẫn đông!”. Mỹ không tham dự thì đã có Nga tiên phong. Thư ký báo chí của Tổng thống Nga - ông Dmitry Peskov ngày 25-12 cho biết: Trong lịch trình công du nước ngoài năm 2022 của Tổng thống Vladimir Putin, hiện nay mới có duy nhất chuyến thăm tới Trung Quốc để dự lễ Khai mạc Olympic mùa Đông Bắc Kinh. Đây là chuyến đi đầu tiên trong năm 2022 của nhà lãnh đạo Nga.
Việc Nga chủ động thông báo sớm chuyến thăm Trung Quốc và tham dự lễ Khai mạc Olympic mùa Đông Bắc Kinh của Tổng thống Putin trong hoàn cảnh này cho thấy sự xích lại gần nhau hơn giữa hai cường quốc đang bị Mỹ coi là đối thủ trong cuộc cạnh tranh chiến lược toàn cầu. Sự ủng hộ của Nga với sự kiện thể thao thế giới do Trung Quốc đăng cai và phản đối quan điểm của Mỹ cũng có thể thấy từ trước bởi trong cuộc họp báo cuối năm ngày 23-12, Tổng thống Putin cho rằng: Việc Mỹ và các đồng minh tẩy chay ngoại giao Olympic mùa Đông Bắc Kinh là "sai lầm" do muốn kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc. Theo ông Putin, thể thao phải đoàn kết các dân tộc, nhưng một số quốc gia lại lợi dụng vấn đề này cho mục đích chính trị.
Có thể thấy rõ, khi Mỹ cùng các đồng minh phương Tây cố gắng cô lập Nga với việc NATO mở rộng về phía Đông, bao vây Nga về chính trị, kinh tế, ngoại giao… và cạnh tranh toàn diện với Trung Quốc thì việc Nga và Trung Quốc hợp tác chặt chẽ hơn là điều dễ hiểu, nhất là khi hai cường quốc này gần nhau cả về địa lý. Trong khi Mỹ tẩy chay sự kiện, Tổng thống Nga - Putin lại đích thân tới dự dù do lệnh trừng phạt của Cơ quan phòng chống doping thế giới (WADA), các vận động viên Nga sẽ thi đấu với tư cách trung lập tại Olympic mùa Đông Bắc Kinh. Hành động của ông Putin cho thấy Nga có quan điểm đối lập hoàn toàn với Mỹ, ủng hộ Trung Quốc, điều khiến Mỹ sẽ phải nhượng bộ hơn trong các cuộc hội đàm trong tháng 1-2022, trước thời điểm ông Putin sang Bắc Kinh, về các bảo đảm an ninh mà phía Nga nêu ra trong cuộc khủng hoảng liên quan tới Ukraine hiện nay.
Các môn thi đấu ở Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022 tất nhiên sẽ vẫn diễn ra với tinh thần thể thao fair-play. Vậy nhưng, môn thi đấu chính - môn “chính trị” - lại đã diễn ra sôi sục trước cả khi Olympic khai mạc và môn thi này xem chừng chẳng fair-play chút nào.
Thanh Huyền