Chính sách tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn: Nỗ lực nâng cao chất lượng đời sống nhân dân
Người dân được thụ hưởng từ chính sách tín dụng nước sạch.
Nước sạch là nhu cầu thiết yếu trong đời sống hàng ngày và là yếu tố quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe cho người dân. Quyền tiếp cận nước sạch là một trong những quyền cơ bản của con người được Liên Hợp quốc thừa nhận.
Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường hằng năm do Thủ tướng Chính phủ phát động từ năm 1998 được các Ban, ngành T.Ư, địa phương, nhân dân cả nước tích cực hưởng ứng; góp phần làm thay đổi chất lượng và điều kiện sống của người dân nông thôn.
Năm 2021, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, trong đó đặt mục tiêu: Vào năm 2025, tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị là 95-100% và nông thôn là 93-95%.
Với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi để người dân nông thôn được sử dụng nước sạch, thời gian qua nhiều địa phương đã kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy nước sạch ở vùng nông thôn. Tuy nhiên, sau khi các nhà máy nước đi vào hoạt động, nhiều người dân nông thôn chưa “mặn mà” sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung. Nhiều hộ vẫn duy trì thói quen dùng nước mưa hoặc nước giếng khoan do chưa hiểu hết lợi ích nước sạch. Nhưng nguyên nhân chủ yếu là do người dân băn khoăn về chi phí đấu nối đường ống, lắp đặt ban đầu còn ở mức cao. Như tại huyện Nga Sơn (Thanh Hóa), Nhà máy Nước sạch Nam Nga Sơn có công suất thiết kế 9.800m3/ngày đêm với tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng. Sau quá trình thi công, nhà máy chính thức vận hành từ đầu năm 2023. Đến nay, số lượng khách hàng đăng ký sử dụng nước sạch của nhà máy chỉ mới đạt khoảng 25% tổng số hộ dân trong vùng dự án.
Những năm qua, Chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn thông qua nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH đã và đang giúp nhiều gia đình vùng nông thôn có điều kiện cải tạo, nâng cấp, xây mới các công trình nước sạch, công trình vệ sinh… Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân ở các địa bàn còn khó khăn. Thuận lợi của Chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là phương thức cho vay thông qua ủy thác một số nội dung công việc đối với các tổ chức chính trị - xã hội, không phải thế chấp tài sản, đối tượng mở rộng, lãi suất cho vay phù hợp, thời hạn cho vay dài, người vay tiếp cận nhanh với nguồn vốn. Người vay quyết định mô hình nước sạch để sinh hoạt, tưới tiêu, xây dựng các công trình vệ sinh phù hợp với khả năng tài chính của gia đình, tự tổ chức thực hiện và quản lý công trình.
Theo quy định hiện hành, đối tượng được hưởng chương trình tín dụng này là hộ gia đình định cư hợp pháp tại địa phương thuộc khu vực nông thôn chưa có nước sạch hoặc đã có nhưng chưa đạt quy chuẩn, chưa bảo đảm vệ sinh và hộ gia đình sau khi đã trả hết nợ vốn vay, có nhu cầu vay mới để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã sử dụng nhiều năm, bị hỏng, xuống cấp, không bảo đảm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Mức vốn cho vay là 10 triệu đồng/công trình và mỗi hộ được vay tối đa 20 triệu đồng để làm 2 công trình (công trình nước sạch và công trình vệ sinh). Lãi suất cho vay ở thời điểm hiện tại là 9%/năm.
Đến nay, Chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã kịp thời đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân đối với việc sử dụng nước sạch và công trình vệ sinh trong đời sống. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện mục tiêu về tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch và đáp ứng tình hình thực tiễn biến động của giá cả và nhu cầu của người dân, ngày 15-7-2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 10/2024/QĐ-TTg về tín dụng thực hiện cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Quyết định này quy định về chính sách tín dụng cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn thực hiện Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Quyết định số 1978 ngày 24-11-2021 của Thủ tướng Chính phủ để cho vay đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa 2 loại công trình, bao gồm: Công trình cấp nước quy mô hộ gia đình; công trình vệ sinh môi trường hộ gia đình. Theo đó, đối tượng vay vốn là hộ gia đình cư trú tại vùng nông thôn (nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú) chưa có công trình cấp nước, công trình vệ sinh hộ gia đình hoặc đã có nhưng bị hỏng, cần phải xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa. Mức cho vay tối đa là 25 triệu đồng/1 loại công trình/khách hàng thay vì 10 triệu đồng như trước. Quyết định có hiệu lực từ ngày 2-9-2024.
Chính sách tín dụng mới đem lại niềm vui cho rất nhiều người dân vùng nông thôn, góp phần từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Hồng Hà