Chính sách mới: Quy định mới trong chính sách, pháp luật về Bảo hiểm xã hội được thực hiện từ ngày 1-1-2018

Đáng chú ý là đối tượng tham gia BHXH so với trước, thêm người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng; người lao động là công dân nước ngoài có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề.

Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%, đã có từ đủ 20 năm đóng BHXH trở lên được nghỉ hưu khi có đủ điều kiện về tuổi đời: Nam từ 53 tuổi, nữ 48 tuổi và mỗi năm sau đó tăng thêm 1 tuổi đến 55 tuổi đối với nam và 50 tuổi đối với nữ.

Công thức tính lương hưu được tính bằng số năm đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 45%; nghỉ hưu vào năm 2018 cần đóng BHXH 16 năm mới được 45% lương. Tương tự, nghỉ năm 2019 là 17 năm đóng, năm 2020 là 18 năm đóng, năm 2021 là 19 năm đóng và từ năm 2022 trở đi là 20 năm đóng.

Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định tại khoản 1, điểm a; khoản 2 Điều 4 và điểm a khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16-11-2015 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

Người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, cụ thể: Bằng 30% đối với người tham gia thuộc hộ nghèo; 25% đối với hộ cận nghèo; 10% đối với các đối tượng khác.

Đồng thời, quy định mới cũng tăng chế tài xử lý đối với một số hành vi vi phạm pháp luật về BHXH; trong đó tội gian lận BHXH và Bảo hiểm y tế có thể bị phạt tới 5 đến 10 năm tù; tội trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động có thể bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm...

Quang Vinh