Bộ LĐTBXH vừa có văn bản số 98/LĐTBXH-BHXH về việc xác định mức tiền lương làm căn cứ tính phụ cấp thâm niên quân đội trong lương hưu.
Theo văn bản này, việc tính phụ cấp thâm niên quân đội trong lương hưu đối với quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu đã chuyển ngành sang làm việc trong biên chế tại các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, hưởng lương từ ngân sách nhà nước rồi mới nghỉ hưu được qui định tại Nghị định số 68/2007/NĐ-CP ngày 19-4-2007 được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 153/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo đó, quân nhân chuyển sang ngành nghề không được hưởng phụ cấp thâm niên nghề và tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ tính lương hưu không có phụ cấp thâm niên nghề thì lấy mức bình quân tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tại thời điểm nghỉ hưu, cộng thêm khoản phụ cấp thâm niên nghề (nếu đã được hưởng) tính theo thời gian phục vụ tại ngũ của mức lương sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân tại thời điểm liền kề trước khi chuyển ngành, được chuyển đổi theo chế độ tiền lương qui định tại thời điểm nghỉ hưu để làm cơ sở tính lương hưu.
Như vậy, đối với trường hợp có thời gian công tác trong quân đội, tiếp đó đi hợp tác lao động ở nước ngoài, sau khi về nước được chuyển ngành sang làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước thuộc diện được tính cộng phụ cấp thâm niên nghề trong lương hưu theo qui định nêu trên thì mức phục cấp thâm niên quân đội được tính trên cơ sở mức lương sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân tại thời điểm trước khi đi hợp tác lao động ở nước ngoài, được chuyển đổi theo chế độ tiền lương qui định tại thời điểm nghỉ hưu để làm cơ sở tính lương, làm căn cứ tính phụ cấp thâm niên quân đội trong lương hưu.
Quang Ly Ly