Chính sách cho đào tạo để giữ nghề truyền thống 63,8% người có nghề truyền thống đối tượng là CCB
Làng Quất Động, huyện Thường Tín, T.P Hà Nội vốn từ lâu nổi tiếng với nghề thêu truyền thống. Nhưng giờ đến không còn bắt gặp cảnh nhà nhà thêu, người người thêu như trước nữa.
Tất cả những hình ảnh quen thuộc của một làng nghề thêu đã rơi vào dĩ vãng. Cả làng không còn lấy một cửa hàng bán đồ thêu, cũng không có một phòng triển lãm tranh thêu nào. Vì miếng cơm, manh áo nên hầu hết giới trẻ không muốn theo nghề. "Cũng biết làng có nghề thêu truyền thống nhưng mình không theo vì gia đình mình không có ai theo nghề. Hơn nữa nghề này cần sự kiên trì, bền bỉ với từng đường kim mũi chỉ nhưng thu nhập lại không ổn định, nên cuộc sống bấp bênh lắm" - chị Nguyễn Thị Nhung chia sẻ.
Là người từng có 4 năm gắn bó nghề thêu nhưng chị Nguyễn Thị Lan cũng bỏ ngang để vào “làm công ty”. Chị chia sẻ: “Tôi làm nghề thêu cùng chồng được 4 năm, sau đó chồng đi xuất khẩu lao động thì tôi cũng bỏ nghề vì nghề thêu thu nhập thấp lắm, không đủ để chi tiêu trong gia đình. Giờ các công ty tuyển lao động với công việc ổn định, mức lương từ 6-8 triệu đồng/tháng nên rất ít người theo nghề thêu, có chăng chỉ những người lớn tuổi làm vì sự đam mê”.
Còn làng Vọng Nguyệt thuộc xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh thì từng nổi tiếng với nghề ươm tơ truyền thống, nhưng 10 năm trở lại đây, cả làng chỉ còn khoảng 10 hộ bám trụ với nghề. Trong đó, khoảng 6-7 hộ cũng chỉ ươm tơ, cắt kén, bán nhộng; 3-4 hộ mua kén từ nơi khác về để dệt tơ. Những nương dâu bạt ngàn, xanh mướt giờ chỉ là những bãi đất trống. Sự tác động của kinh tế thị trường, vướng mắc trong đầu tư công nghệ và đầu ra cho sản phẩm khiến cho nhiều người dân Vọng Nguyệt không còn mặn mà với nghề của ông cha nữa.
Ông Ngô Văn Quây - Trưởng thôn Vọng Nguyệt cho biết: Dù rất muốn bảo tồn, phát triển nghề truyền thống, nhưng để có kén ươm tơ, các hộ phải thu mua từ Yên Bái, Lâm Đồng... Chi phí vận chuyển tăng, kén bị dập nát cũng ảnh hưởng lớn đến chất lượng tơ. Trong khi sản phẩm tơ hiện tại khó tiêu thụ, khiến người dân càng khó giữ nghề.
Được biết, hiện cả nước có 4.575 làng nghề, đang tạo nhiều việc làm cho người lao động. Mà số đông là người cao tuổi và CCB qua các thời kỳ.
Tuy nhiên, theo ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, việc thiếu nhân lực có kỹ thuật của các làng nghề đang trầm trọng, do lao động có tay nghề chuyển sang làm ở các lĩnh vực khác hoặc thoát ly khỏi địa phương. Hiện chủ yếu là người cao tuổi, các bác là CCB. Để khuyến khích lao động trẻ, có tay nghề gắn bó nghề truyền thống, yêu cầu đầu tiên là phải giải được bài toán nâng cao thu nhập và mở các lớp đào tạo, nhân cấy nghề. “Muốn vậy, cần hoàn thiện chính sách đào tạo nghề. Cùng với dạy nghề, chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Từ đó làm cơ sở thu hút, giải quyết việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động. Việc ứng dụng khoa học công nghệ còn tạo động lực để lao động trẻ phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, vào sản xuất để hạ giá thành sản phẩm, giải phóng sức lao động”.
Đã đến lúc chính sách cho đào tạo nghề để giữ nghề truyền thống trở nên cấp thiết để gữ được làng nghề nói chung, làng nghề truyền thống nói riêng.
Giữ được làng nghề truyền thống không chỉ góp phần để giữ hồn cốt Văn hóa Việt Nam mà còn trực tiếp giúp nâng cao đời sống cho những người cao tuổi, trong đó có CCB - đối tượng chiếm 63,8% người theo và giữ nghề truyền thống.
Công Bằng