Chính phủ lắng nghe, tiếp thu ý kiến tư nhân
Công nhân sản xuất hàng may mặc ở Công ty may Hưng Yên.
Vừa qua, tại Hà Nội diễn ra Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 do Chính phủ và Ban Kinh tế T.Ư đồng tổ chức nhằm đánh giá kết quả sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TƯ và Nghị quyết số 98-NQ/CP về phát triển kinh tế tư nhân. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cùng 2.500 doanh nhân trên cả nước cùng tham dự Diễn đàn này.
Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam có vai trò ngày càng lớn trong nền KTXH đất nước, đã có bước phát triển mới cả về số lượng, chất lượng. Số lượng doanh nghiệp tư nhân tăng mạnh từ 655.000 (năm 2017) lên 730.000 (năm 2018) và đạt hơn 743.000 doanh nghiệp vào cuối quý I-2019. Quy mô của nhiều doanh nghiệp ngày càng mở rộng, một số doanh nghiệp đạt tổng tài sản đến hàng trăm nghìn tỷ đồng và sử dụng hàng chục nghìn lao động, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp của các doanh nhân CCB Việt Nam...
Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp tư nhân thành lập nhiều nhưng khả năng trụ vững và phát triển hiệu quả còn thấp. 97% doanh nghiệp tư nhân là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn ít, công nghệ sản xuất lạc hậu, trình độ quản lý yếu kém…
Tại Diễn đàn, vấn đề kinh tế vĩ mô được mổ xẻ, cùng đối thoại chính sách “công - tư” cởi mở giữa đại diện Chính phủ và khối tư nhân bao gồm: Thu hút, tăng cường khách du lịch có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày tới Việt Nam; các giải pháp nền tảng để phát triển Kinh tế số tại Việt Nam; tận dụng và khai thác Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP để phát triển bứt phá; mở rộng và khơi thông dòng vốn trung - dài hạn cho phát triển kinh tế; tạo lập các chuỗi nông - thủy sản có giá trị thương phẩm cao, đáp ứng yêu cầu của các thị trường trọng điểm; cơ hội cho các mô hình kinh doanh mới tại Việt Nam; tọa đàm nữ doanh nhân và khát vọng “Vì một Việt Nam hùng cường - thịnh vượng”. Nhiều hiến kế từ cộng đồng doanh nghiệp được thảo luận, phân tích, tạo cơ sở quan trọng để hoàn thiện khung chính sách thúc đẩy sự phát triển của khu vực này trong thời gian tới.
Phát biểu tại phiên toàn thể, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, kinh tế tư nhân nổi lên như một trong những động lực quan trọng, dẫn dắt sự tăng trưởng của nền kinh tế. Khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang tạo ra khoảng 42% GDP, 30% ngân sách Nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước. Hai năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự lớn mạnh, tinh thần đổi mới và khát vọng vươn lên của khu vực tư nhân. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhóm vấn đề thứ nhất là làm thế nào để các doanh nghiệp Việt Nam đa phần có quy mô còn nhỏ, có thể vươn ra cạnh tranh quốc tế, có thương hiệu toàn cầu? Làm thế nào để hàng triệu hộ kinh doanh cá thể có thể mở rộng quy mô, chuyển sang mô hình doanh nghiệp nhằm phát huy lợi thế, tạo nhiều của cải hơn cho bản thân mình và cho cả xã hội? Đây là những vấn đề khó nhưng nếu có khát vọng, có sự đồng lòng và có quyết tâm cao, chúng ta sẽ thành công. “Còn nhiều câu hỏi quan trọng nữa mà các doanh nhân ngồi đây biết rõ hơn chúng tôi. Các vị là những người lăn lộn thực tế, thấy rõ cơ hội, thấy rõ nút thắt của doanh nghiệp, của đất nước. Chúng tôi ở đây để lắng nghe và tiếp thu ý kiến của quý vị”.
Thủ tướng chia sẻ quan điểm về tinh thần doanh nghiệp, với 3 nội dung quan trọng là chí tiến thủ của nhà doanh nghiệp; doanh nhân cần kinh doanh liêm chính; là tinh thần yêu nước. Trách nhiệm xã hội và đạo đức kinh doanh - đó là những tố chất cần thiết, phổ biến của nhà doanh nghiệp.
Trên cương vị là người đứng đầu Tiểu ban KTXH của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, diễn ra vào năm 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn nghe những tham vấn có trách nhiệm từ khu vực tư nhân, để từ đó chắt lọc, tiếp thu thỏa đáng vào hoạch định nội dung chiến lược phát triển KTXH đất nước trong giai đoạn tới.
Tại phiên đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, sẽ tiếp tục tạo điều kiện, kiến tạo không gian, nguồn lực, cơ hội cho khu vực tư nhân phát triển thuận lợi hơn.
Nền kinh tế của Việt Nam có nhiều cơ hội cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ khởi nghiệp thành công. Việc Chính phủ phải làm là tạo nên một thể chế pháp luật, nhân lực, hạ tầng và thị trường để tạo điều kiện cho khởi nghiệp. Về nguồn nhân lực, chú trọng số lượng, chất lượng nhân lực đáp ứng các yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0. Về hạ tầng, chú trọng hơn nữa hạ tầng viễn thông thông minh như phát triển mạng 5G trong thời gian tới, thanh toán không dùng tiền mặt, các hạ tầng kỹ thuật công nghệ khác. Thứ ba là tạo thị trường, theo đó, mua sắm sản phẩm đổi mới sáng tạo nhiều hơn, cho thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới. Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã phê duyệt Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025. Năm 2019, Chính phủ sẽ phê duyệt Đề án chuyển đổi số quốc gia để tạo điều kiện cho khởi nghiệp thành công.
Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 thành công tốt đẹp, góp phần thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam trong thời gian tới.
Quốc Huy