Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3-2016
Các thành viên Chính phủ nhất trí cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến và đạt được kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực.
Lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng 0,52%, 3 tháng tăng 0,99%. Tăng trưởng đạt khá (GDP quý I tăng 5,46%), khu vực dịch vụ tăng cao nhất 5 năm qua. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I tăng 6,3%. Xuất siêu gần 776 triệu USD.
Tổng mức đầu tư toàn xã hội và thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt khá cao. Hoạt động phát triển doanh nghiệp tiếp tục có những chuyển biến tốt.
Các chính sách bảo đảm an sinh xã hội được quan tâm thực hiện, đời sống của người dân, đặc biệt là người có công, hộ nghèo, người dân vùng bị thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn… được quan tâm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường.
Tuy nhiên, tình hình quý I năm 2016 cũng cho thấy nền kinh tế nước ta đang gặp không ít khó khăn, thách thức. Hạn hán, xâm nhập mặn làm cho tăng trưởng khu vực nông nghiệp giảm so với cùng kỳ, tác động đến tăng trưởng chung, đồng thời làm cho đời sống của một bộ phận người dân gặp nhiều khó khăn. Các yếu tố gây bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn còn lớn, nhất là biến động của tỷ giá, lãi suất, cân đối ngân sách nhà nước....
Cũng tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã trình bày về một số vấn đề nổi lên hiện nay như tình hình sản xuất nông nghiệp, nhất là tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở các địa phương; công tác điều giá xăng dầu, trong đó có bất cập về thuế xăng dầu; vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, xử lý hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ mua nhà ở xã hội...
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhất mạnh, tình hình kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực nhưng còn đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Thủ tướng nêu rõ, cần tiếp tục phát huy mặt tích cực, thuận lợi, ra sức khắc phục hạn chế, yếu kém, hoàn thành cao nhất các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra.
Chủ động, tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhất là đối với sản xuất nông nghiệp tại các vùng đang chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai.
Đẩy nhanh tiến độ các công trình thủy lợi, công trình phục vụ chống xâm nhập mặn. Về lâu dài cần nghiên cứu các giải pháp sử dụng nước có hiệu quả, hạn chế thất thoát nước; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn.
Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thực hiện kế hoạch thu chi, cân đối ngân sách nhà nước; trong đó chú trọng chống thất thu, triệt để tiết kiệm chi ngân sách nhà nước. Tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng chống buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, gian lận thương mại, trốn thuế, chuyển giá.
Tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Chú trọng công tác xây dựng pháp luật, cải cách hành chính. Tập trung xây dựng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành pháp luật.
Các Bộ ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP. Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử.
Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, triển khai có hiệu quả các chương trình giảm nghèo bền vững, hỗ trợ hộ cận nghèo, xây dựng nông thôn mới. Quan tâm thực hiện tốt các chính sách người có công, các đối tượng chính sách xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường. Chú trọng phòng chống dịch bệnh lây lan, trong đó có dịch do vi rút Zika và bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm và các điều kiện lao động.
Chủ động nắm tình hình đời sống nhân dân tại các vùng đang chịu thiệt hại bởi thiên tai để cứu trợ kịp thời, không để người dân bị đói, bị thiếu nước sinh hoạt, đồng thời, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh bùng phát, lây lan.
Tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia; đẩy mạnh phòng chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, nhất là ở các thành phố lớn, trong đó có TP Hồ Chí Minh. Tăng cường kiểm tra phòng chống cháy nổ, an toàn lao động, nhất là tại các khu đông dân cư, khu công nghiệp, nhà xưởng. Tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông, giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn.
Tăng cường công tác thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội, tạo khí thế vui tươi, phấn khởi, thống nhất đồng lòng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và kế hoạch 5 năm 2016-2020.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng mong muốn nhân sự Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương được tập trung kiện toàn nhanh chóng để triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này. “Đây là vấn đề rất quan trọng. Cần đoàn kết, nhất trí, chung sức đồng lòng, quyết liệt hành động. Tinh thần phấn đấu cao nhất để đạt kế hoạch đề ra”, Thủ tướng nói.
Tại phiên họp, Chính phủ còn nghe và thảo luận về báo cáo tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2015-2016; tình hình thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử; Báo cáo tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ và ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh trong quý I/2016, nhiệm vụ quý II/2016; dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật…/.
Hoàng Linh