Chiến thắng Điện Biên Phủ: Sức mạnh thời đại Hồ Chí Minh
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Thành Cung - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh cách đây 60 năm, ngày 13/3/1954, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, chỉ đạo chiến lược tài tình của Đảng và Bác Hồ, quân và dân ta đã mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ, tiến hành trận quyết chiến lược giành thắng lợi quyết định, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Đánh giá Chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới đang dâng cao đến thắng lợi hoàn toàn.”
Với chiến thắng oanh liệt này, quân và dân ta đã làm nên kỳ tích vĩ đại “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu,” đập tan tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của thực dân Pháp tại Đông Dương. Chiến thắng Điện Biên Phủ là dấu mốc bằng vàng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Hội thảo khoa học “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh” có ý nghĩa sâu sắc, làm sáng tỏ nghệ thuật chiến tranh nhân dân, sức mạnh Việt Nam. Đây cũng là dịp toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tri ân những anh hùng liệt sỹ đã không tiếc máu xương, anh dũng hy sinh làm lên Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Tham luận tại hội thảo, các nhà khoa học và nhân chứng lịch sử đã làm rõ bối cảnh chung của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trước khi diễn ra Chiến thắng Điện Biên Phủ; âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ trong Đông Xuân 1953-1954; sự hình thành tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Các nhà khoa học cũng làm rõ những chủ trương, đường lối lãnh đạo đúng đắn, tầm nhìn và tài thao lược của Đảng; nghệ thuật chỉ đạo, điều hành và phát huy sức mạnh chiến tranh nhân dân, sức mạnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh để giành thắng lợi trong chiến dịch.
Hội thảo cũng đi sâu phân tích quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Quân ủy, Bộ Quốc phòng, Bộ Chỉ huy chiến dịch, trong đó có vai trò của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận; vai trò của Đảng bộ các địa phương trong công tác chuẩn bị và thực hành kế hoạch tác chiến; sự phối hợp tác chiến giữa các lực lượng vũ trang và nhân dân Tây Bắc với các chiến trường khác trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Một số bài tham luận đáng chú ý được đánh giá cao tại cuộc hội thảo như “Phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, Điện Biên ra sức thi đua, quyết tâm xây dựng tỉnh ngày càng phát triển vững mạnh” của Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Lò Mai Trinh; “Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Quyết định lịch sử của Đảng ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược" của phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hà.
Thiếu tướng Bùi Nam Hà, 90 tuổi, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 88, Đại đoàn 308 trình bày những bài học kinh nghiệm chỉ huy các trận đánh trong Chiến dịch; đề cao vai trò của nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc Điện Biên đã đóng góp những hạt thóc cuối cùng, cho bộ đội ta ăn no đánh thắng trong bài tham luận “Chiến cuộc Đông-Xuân 1953-1954, then chốt là Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất.”
Đại tá Nguyễn Sĩ Động, cựu chiến binh tham gia trận mở màn Him Lam đã làm rõ tinh thần quyết chiến quyết thắng của bộ đội ta trong trận mở màn Him Lam, tạo khí thế cho cả Chiến dịch.
Nhà báo Phạm Quốc Bằng, nguyên phóng viên chiến trường của Báo Quân đội nhân dân trong Chiến dịch Điện Biên Phủ thể hiện góc nhìn của một phóng viên về các trận đánh trong chiến dịch lịch sử này.
Trung tướng Mai Quang Phấn - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đánh giá tại hội thảo này, các nhà khoa học và nhân chứng đã làm rõ quá trình hình thành và liên minh chiến đấu Việt Nam-Lào-Campuchia; sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, nhất là Liên Xô, Trung Quốc, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Các đại biểu tham gia hội thảo cũng đánh giá đúng tầm vóc, nguyên nhân, ý nghĩa thắng lợi và những bài học kinh nghiệm của Chiến dịch Điện Biên Phủ, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, tự lực, tự cường của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp để vận dụng vào sự nghiệp xây dựng quân đội, tăng cường nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc hiện nay.
Theo chương trình hội thảo, ngày 21/3, các đại biểu sẽ tham quan di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ tại xã Mường Phăng (huyện Điện Biên); tham quan các di tích: Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đồi A1, Tượng đài Chiến thắng và Hầm Tướng Christian de Castries - Trung tâm chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của Quân đội viễn chinh Pháp năm 1954.
PV