Chiến sĩ quân y với trận mở đầu Chiến dịch Điện Biên

Chính tinh thần anh dũng, tận tụy của các đồng chí quân y, đã cứu sống nhiều chiến sĩ. Ngay trong trận Him Lam, y tá Lương Văn Vọng đã nêu một tấm gương sáng ngời. Tôi gặp Vọng trong hội nghị tổng kết công tác quân y đợt một. Hôm đó, vết thương anh mới lành, người anh chưa khỏe hẳn. Anh được mời về kể lại công việc của mình trong trận Him Lam. Vọng còn rất trẻ. Anh là người Cao Bằng và là một chiến binh mới được đào tạo thành y tá. Trong suốt trận đánh quyết liệt, Vọng đã xông xáo trong làn mưa đạn đại bác và liên thanh, lao đến bất cứ nơi nào có thương binh. Bị thương lần thứ hai vào bụng, anh không chịu buộc vết thương của chính mình, vì muốn để dành mấy cuốn băng cuối cùng cho chiến sĩ. Lúc không còn cuốn băng nào nữa, anh nhảy vào hầm địch tìm lấy bông băng. Khi cần thiết, anh đã cầm lấy tiểu liên và thủ pháo, tiến công tiêu diệt một ụ súng máy của địch để bảo vệ mấy đồng chí thương bình nằm ngay trước họng súng địch. Anh đã nhảy xổ vào hầm giặc, dùng báng súng đập chết tươi một tên lính châu Âu để cứu một chiến sĩ bị thương rơi vào trong đó. Trong trận Him Lam, Vọng đã băng bó cho hàng chục thương binh, diệt một ụ súng, giết một tên giặc và bắt sống ba tên khác. Anh đã làm đầy đủ nhiệm vụ của một người quân y và một chiến sĩ.
Có được tinh thần phục vụ như vậy, bởi từ khi các đơn vị tập trung quanh Điện Biên Phủ, chuẩn bị vào trận, Đội điều trị cuối cùng của chúng tôi cũng đã tới ngay sau đó. Đội này đã hành quân từ trung tâm Việt Bắc về với một tốc độ khá nhanh. Anh chị em đi hai mươi ngày, chỉ nghỉ một ngày, vượt một chặng đường hơn 600 cây số, mang trên vai đầy đủ bàn mổ, dụng cụ, thuốc men. Qua Cò Nòi, họ đã phải đạp lên bom nổ chậm mà đi. Đến mặt trận, không kịp nghỉ, tất cả bắt tay ngay vào việc chuẩn bị, và chỉ một đêm đã xây dựng xong một bệnh viện dã chiến đủ sức thu dung 200 thương binh…
Trụ ở phía Tây Nam mặt trận là đội điều trị 2. Đội này cũng cơ động rất khá. Anh chị em đi vòng chung quanh Điện Biên Phủ (đi từ đông sang tây, vòng qua phía nam Hồng Cúm) đuổi theo một trung đoàn bộ binh. Gặp một số bộ đội và dân công bị đạn máy bay, anh chị em đã nhanh chóng đặt bàn mổ để cấp cứu. Giữa lúc công việc khẩn trương thì bộ đội được lệnh rút ra. Họ tiếp tục công việc và rút sau bộ đội. Lúc này đại bác và máy bay địch oanh tạc dữ dội dọc đường kéo pháo. Có thêm một số dân công và bộ đội bị thương. Đội điều trị 2 vừa rút vừa cứu chữa thương binh. Khi bom đạn nổ, núp dưới hầm hố, hễ dứt tiếng súng, họ lại đi đón thương binh về băng bó… Sau khi kéo pháo ra, trong các đơn vị của chúng tôi, không khí phấn khởi ban đầu tạm thời lắng xuống. Một số không ít anh chị em lo ngại, dao động. Theo chỉ thị của Đảng ủy mặt trận, các chi bộ Đảng tiến hành một cuộc đấu tranh nhằm đẩy lùi tư tưởng bi quan và thấm nhuần phương châm tác chiến mới “đánh chắc, tiến chắc”…
Người thầy thuốc phải bám sát bộ đội chiến đấu, phải đưa phòng mổ ra gần hỏa tuyến. Đây là một cuộc đấu tranh gay gắt đặt ra trong quân y chúng tôi từ mấy năm rồi. Trước đây, nhiều người cho rằng vòng lửa đạn, chết chóc, không phải là nơi để người thầy thuốc làm công việc cứu sống con người. Tệ hơn nữa, có người còn biện bạch rằng đưa người thấy thuốc ra hỏa tuyến là phạm vào công ước Giơ-ne-vơ (!). Thật ra, đó chỉ là một sự trốn tránh trước nguy hiểm, thờ ơ với máu xương chiến sĩ. Rồi tư tưởng sợ khó, ngại máy bay, đại bác được đánh lùi từng bước. Cuối cùng, anh chị em xây dựng được quyết tâm tiến ra hỏa tuyến.
Chúng tôi phác ra kế hoạch xây dựng phòng mổ trong lòng đất. Anh chị em bắt tay vào thực tập. Đào một lần không được thì đào thêm lần nữa! Đào moi vào ruột núi, đất sụt xuống thì dùng gỗ chống. Xong lại xoay ra đào hầm lộ thiên, rồi lát cây, đắp đất lên làm nắp. Làm xong phòng mổ, lại đào những đường hầm tỏa khắp chung quanh, rồi làm thêm các hầm kho thuốc, hầm thay băng và hàng trăm hầm nhỏ cho thương binh ở. Một bệnh viện trong lòng đất đã hình thành. Các đội điều trị trên toàn mặt trận được mời về tham quan, rút kinh nghiệm.
Sang đầu tháng 3, tất cả các đội điều trị trên tuyến I đã xây dựng xong các bệnh viện ngầm, mỗi nơi có ít nhất một phòng mổ với hai bàn. Có nơi còn xây dựng thêm một phòng mổ thứ hai, đề phòng khi bị bom đạn địch phá hủy. Các đội điều trị trực thuộc Ban Quân y mặt trận được sắp xếp thành nhiều tuyến, có nhiều đội bố trí trong tầm đại bác địch. Các đội điều trị Đại đoàn càng tiến gần bộ đội hơn. Từ đó, có những đường hào trục dẫn đến các trung đoàn. Các đội quân y trung đoàn cũng trở thành những “bệnh viện trong lòng đất” với quy mô nhỏ hơn. Thật không thể lường hết bao nhiêu công sức, bao nhiêu mồ hôi của cán bộ, chiến sĩ và dân công đã đổ vào các công trình to lớn ấy! Cùng thời gian đó, các đội tải thương lo việc chuẩn bị hàng nghìn cáng võng, còn các tổ quân y ở tiểu đoàn, đại đội thì lo tập dượt cho chiến sĩ vệ sinh biết cách cứu chữa đồng đội bị thương. Các chiến binh cũng được cấp băng cá nhân và học cách sử dụng. Tất cả đều được sắp xếp để mỗi chiến sĩ khi bị đạn lập tức được băng bó trong vài phút; trong vòng nửa giờ sẽ được y tá săn sóc; trong vòng ba, bốn giờ sẽ được đưa vào phòng mổ của trung đoàn và khoảng bốn giờ sau nữa chiến sĩ ấy sẽ về tới đội điều trị có trình độ kỹ thuật cao hơn…
NGUYỄN PHÚC ẤM
(Theo hồi ký của đồng chí
Vũ Văn Cẩn)