Chiến sĩ quân hàm xanh: “Thắp ngọn lửa hồng” nơi biên cương

Bội đội Biên phòng Sơn Vĩ phối hợp tuần tra song phương.

Hà Giang - vùng đất nằm ở cực Bắc của Tổ quốc có đường biên giới quốc gia dài hơn 277km, với tổng số 442 mốc quốc giới, tiếp giáp với tỉnh Vân Nam và khu tự trị tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Khu vực biên giới của tỉnh có 34 xã, thị trấn biên giới, tổng dân số hơn 25.000 hộ với gần 132.000 khẩu, là nơi sinh sống của 19 dân tộc, trong đó dân tộc Mông chiếm trên 62%. Nhân dân hai bên biên giới có mối quan hệ dân tộc, thân tộc từ lâu đời, thường xuyên qua lại thăm thân, mua bán, trao đổi hàng hóa, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế.

Để đem lại sự bình yên cho dải biên cương hùng vĩ nơi địa đầu Tổ quốc có sự đóng góp không nhỏ của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng tỉnh Hà Giang. Những năm qua, bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng khu vực biên giới ổn định, hòa bình, hữu nghị và phát triển, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang luôn thực hiện phương châm “3 bám, 4 cùng” (bám trụ, bán dân, bám địa bàn; cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc) làm tốt công tác vận động quần chúng; tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ở khu vực biên giới vững mạnh; tham gia cùng cấp ủy, chính quyền địa phương đề xuất cơ chế, chính sách trong nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, góp phần tạo “phên dậu”, thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc bảo vệ Tổ quốc.

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp, tình hình phát triển kinh tế - xã hội từng bước được cải thiện, cơ sở hạ tầng điện - đường - trường - trạm, sóng điện thoại di động, mạng Internet được đầu tư nâng cấp. Tuy nhiên, Hà Giang vẫn là một trong những tỉnh có mức thu nhập bình quân đầu người thấp nhất cả nước với 2,25 triệu đồng/người/tháng do nhiều nguyên nhân: Thời tiết, khí hậu khắc nghiệt; địa hình chia cắt, nhiều núi cao vực sâu, giao thông đi lại khó khăn; trình độ dân trí không đồng đều; có 31/34 xã, thị trấn biên giới của tỉnh vẫn thuộc diện đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo cao (chiếm 57,3%); người dân chủ yếu làm nương rẫy theo phương thức canh tác truyền thống, trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ; địa hình chủ yếu là núi đá tai mèo có độ dốc cao, đất canh tác ít, thiếu nước sinh hoạt; nhiều hộ gia đình phải sống trong nhà tạm, nhà dột nát, thiếu hạ tầng thiết yếu, các dịch vụ xã hội cơ bản...

Trước tình hình thực tiễn của địa phương, Đại tá Đào Hồng Hà - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết: “Toàn tỉnh có 34 cán bộ là cán bộ Bộ đội Biên phòng được tăng cường giữ chức Phó bí thư Đảng ủy xã, thị trấn biên giới; 177 cán bộ, đảng viên ở các Đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt tại 172 chi bộ thôn, bản và 346 đảng viên phụ trách giúp đỡ 1.589 hộ gia đình phát triển kinh tế. Chúng tôi luôn chú trọng đổi mới nội dung, hình thức, khuyến khích những cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả, triển khai nhiều chương trình, mô hình ý nghĩa nhân văn sâu sắc như: “Quân dân y kết hợp”, “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi đồn Biên phòng”, “Mái ấm biên cương”... Đặc biệt, trong cơn bão số 3 và ảnh hưởng của hoàn lưu của bão, cán bộ, chiến sĩ Biên phòng Hà Giang cử hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ phối hợp với cấp uỷ, chính quyền và các lực lượng tại chỗ tham gia khắc phục sự cố tại các trường học, điểm trường, trực tiếp xuống giúp dân di chuyển tài sản bị vùi lấp...”.

Tùy thuộc vào đặc điểm địa hình, dân tộc và tình hình ANTT, kinh tế - xã hội ở mỗi xã biên giới, trên tinh thần chung “Bám dân, gần dân, bám địa bàn”, mỗi đồn Biên phòng triển khai những việc làm cụ thể, thiết thực, phù hợp với địa bàn đứng chân.

Đồn Biên phòng Sơn Vĩ được giao nhiệm vụ quản lý 17,457km đường biên giới với tổng số 35 cột mốc. Địa bàn phụ trách của Đồn nằm trên xã Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc có 19 thôn, trong đó 9 thôn giáp biên. Tổng số dân cư là 1.380 hộ/7.819 khẩu, gồm 10 thành phần dân tộc trong đó dân tộc Mông chiếm 80,4%.

Thượng tá Nguyễn Hồng Quang - Chính trị viên Đồn Biên phòng Sơn Vĩ chia sẻ: Cán bộ, chiến sĩ thường xuyên nâng cao cảnh giác, nắm chắc tình hình, duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu. Năm 2024, công tác tuần tra, kiểm soát bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia được triển khai đồng bộ với 98 lần, có sự tham gia của 252 lượt dân quân, công an viên. Trong công tác đối ngoại biên phòng: Đồn gửi 47 thư trao đổi, tổ chức 1 cuộc gặp gỡ trên biên giới, 4 cuộc tuần tra song phương ban ngày và ban đêm, với mục đích trao đổi những nội dung liên quan đến biên giới, chúc mừng hỏi tham các ngày lễ của đất nước.

Qua nhiệm vụ thường xuyên của các đội nghiệp vụ và chủ động nắm tình hình trên biên giới, nắm tình hình địa bàn, tình hình an ninh thôn bản..., Biên phòng Sơn Vĩ đã thu thập được 237 nguồn tin (137 tin có giá trị về các hoạt động của LLVT, chính quyền bạn, 100 tin tham khảo); phát hiện, phối hợp xử lý 6 vụ nhập cảnh trái phép; 1 vụ không khai báo người lưu trú trái phép trong khu vực biên giới đất liền; triệt phá cây thuốc phiện...

Bộ đội Biên phòng Xín Cái giúp người dân di chuyển đồ đạc trong cơn bão số 3.

Bên cạnh đó, Biên phòng Sơn Vĩ còn phối hợp tổ chức thành công chương trình "Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản", "Ngày hội Biên phòng dân", "Biên cương vui hội trăng rằm"... với số tiền hơn 3 tỷ đồng thông qua việc kêu gọi, vận động hỗ trợ, tặng quà người dân và các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Hiện nay, Đồn Biên phòng Sơn Vĩ đang nhận nuôi 6 cháu theo mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng”, trong đó có 2 cháu đang được nuôi dưỡng sinh sống tại Đồn; hỗ trợ 14 cháu theo dự án “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường”.

Đến với Đồn Biên phòng Xín Cái - đứng chân trên địa bàn 2 xã Thượng Phùng và Xín Cái (huyện Mèo Vạc), nơi có địa hình núi cao 1.500-1.800m so với mặt nước biển, nhiệt độ thấp nhất phổ biến dưới 5 độ C, có thời điểm vào ban đêm nhiệt độ xuống thấp dưới -3 độ C kèm theo băng tuyết phủ trắng. Đồn được giao nhiệm vụ quản lý bảo vệ đoạn biên giới dài 23.831km. Địa hình phức tạp, núi cao, khe sâu hiểm trở, khí hậu, thời tiết khắc nhiệt, thiếu nước sạch sinh hoạt là những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.  

Thượng tá Nguyễn Xuân Đồng - Chính trị viên Đồn Biên phòng Xín Cái cho biết: "Hai xã biên giới Xín Cái và Thượng Phùng có gần 2.000 hộ với hơn 11.000 khẩu, với 10 dân tộc: Mông, Xuồng, Giấy, Tày, Nùng, Lô Lô, Dao, Thái, Hoa…, trong đó dân tộc Mông chiếm hơn 80%. Hiện nay, trên địa bàn còn hơn 50% hộ nghèo. Xín Cái còn được mệnh danh là xã “nghèo nhất, đường đi khó khăn nhất, an ninh phức tạp nhất và lạnh nhất Hà Giang".

Để nâng cao nhận thức của người dân, phòng, chống kẻ xấu lợi dụng lôi kéo bà con truyền đạo trái phép, đơn vị thường xuyên phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu; không kết hôn, lao động khi chưa đủ tuổi theo pháp luật... Năm 2024, đơn vị phối hợp vận động được 17 hộ với 115 khẩu bỏ tà đạo san sư khẹ tọ, quay trở lại phong tục truyền thống.

Qua tuần tra, Biên phòng Xín Cái phối hợp với các lực lượng đấu tranh triệt phá đường dây “Tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép”; phối hợp với lực lượng dân quân tổ chức 88 buổi tuần tra với 248 lượt người tham gia qua đó góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội của địa phương.

Để giúp cho nhân dân khu vực biên giới từng bước thoát nghèo, vươn lên cuộc sống ấm no, góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực trong đời sống kinh tế - xã hội của địa phương, nhiều năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Xín Cái nhiều mô hình, cách làm hiệu quả như: vận động hỗ trợ cây giống, con giống; xóa nhà tạm, nhà dột nát; tham gia hàng trăm ngày công phối hợp với địa phương tu sửa, làm mới đường bê tông liên thôn, kênh dẫn nước… Trong cơn bão số 3 vừa qua, đơn vị đã cử hơn 60 lượt cán bộ, chiến sĩ giúp nhân dân di chuyển tài sản, tránh trú đến nơi an toàn.

*

Đến với những người lính Biên phòng Hà Giang, tôi không thể quên được những cái bắt tay lạnh giá nhưng ấm áp tình người ánh lên trong nụ cười, ánh mắt. Tôi không thể quên không khí “đồn là nhà”: Những bụi hoa khoe sắc thắm trong khuôn viên các đồn; tiếng nói cười ở khu tăng gia, tiếng vui đùa ở sân bóng chuyền, bóng đá, pickeball... lan tỏa, xua tan cái giá lạnh của chiều đông; tạo nên không khí ấm cúng, gần gũi trong những bữa cơm tập thể…

Với các anh, những khó khăn, gian khổ không ngăn được ý chí, quyết tâm của những người lính Biên phòng xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Những bước chân hành quân của các anh trên các nẻo biên cương, những đóng góp âm thầm của các anh trên mọi mặt chính trị, kinh tế - xã hội với tinh thần “biên giới là quê hương” như màu xanh áo lính hòa vào màu xanh núi rừng, bình dị nhưng rất đỗi thân thương.

Hồ Thanh Hương