Từ các chiến dịch lớn như Thu đông 1947; Biên giới tháng 9-1950; Hoàng Hoa Thám tháng 4-1951; đến Chiến dịch Hòa Bình 1952… trong đội hình các đơn vị đi chiến đấu, đều có con em Hương Ngải tham dự. Nhưng hội tụ đông nhất là chiến dịch Điện Biên Phủ mùa Xuân năm 1954: F308 có Nguyễn Khắc Tạo, Vương Duy Ái, Nghiêm Văn Vận; F312 có Vương Duy Lời, Cấn Nghĩa, Phí Văn Dũng; F 316 có Nguyễn Ngọc Lực, Nguyễn Văn Huỳnh, Nguyễn Hữu Hợp; F351 pháo phòng không có Vương Xuân Huê, Nguyễn Phấn Toàn; pháo cao xạ có Đỗ Bỉnh, Cấn Lương; E57 thuộc F304 bộ binh có Nguyễn Khắc Tục, Nguyễn Hữu Chính… Ngoài các đơn vị trực tiếp tham gia chiến đấu, các đơn vị phục vụ chiến dịch còn có Lê Bảy (Cục Quân nhu); Nguyễn Văn Lý (Cục Điện ảnh); Vương Đình Tường (Cục Tác chiến) Phí Văn Cường đội quân y dã chiến, Cấn Tư ở đoàn văn công F312…
Khi kết thúc chiến dịch Điện Biên “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, các chiến sĩ con em Hương Ngải tham gia chiến dịch và phục vụ chiến đấu đều được tặng Huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ”; có 2 cán bộ được tặng và truy tặng Huân chương Chiến công là Vương Xuân Huê và Nguyễn Phấn Toàn. Hương Ngải có 3 liệt sĩ ở chiến dịch này: Nguyễn Phấn Toàn, Nguyễn Hữu Hợp, Phí Văn Dũng… Chiến sĩ Điện Biên ngày ấy ở Hương NGải có tới vài chục người, nhưng họ đã lần lượt về với “tổ tiên”, nay chỉ còn 3 người đang sinh sống.
Kết thúc hơn 30 năm chiến đấu với kẻ thù đế quốc xâm lược, xã Hương Ngải có “3 nhất”: là xã có số người đi bộ đội đông nhất; có số liệt sĩ nhiều nhất và số Mẹ VNAH nhiều nhất huyện Thạch Thất. Xã Hương Ngải đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Ngọc Vân