Chiếc soong nho nhỏ, cái kiềng xinh xinh
(Đến với bài thơ hay)
Bài thơ này, tôi mới ghi lại từ “bà lão” nhà tôi do tình cờ đọc được trên báo Người cao tuổi, rồi nhập tâm, thuộc lòng cách đây đã 14-15 năm. Thơ thì nhớ, nhưng tên tác giả lại quên. Dù sao, thế cũng vẫn là điều hạnh phúc cho tác giả. Và nhận thấy đây là một bài thơ hay, giàu cảm xúc, sâu đậm tình nghĩa vợ chồng, son sắt, thủy chung, nên xin được mạo muội giới thiệu cùng bạn đọc.
Mở đầu bài thơ, tác giả nhắc ngay đến hai vật dụng luôn gắn bó với cuộc sống gia đình, coi chúng như một “chứng nhân lịch sử”:
“Ngày nào mới cưới ăn riêng.
Chiếc soong nho nhỏ, cái kiềng xinh xinh”.
Bình thường thì hai thứ này chỉ là những dụng cụ nhà bếp thô thiển, chẳng có vẻ gì hấp dẫn. Nhưng nhờ thơ mà tác giả đã biến chúng từ hình ảnh mộc mạc thành hình tượng đẹp thông qua những từ “láy” như: nho nhỏ, xinh xinh. Giống như một đôi uyên ương, cùng song hành với cặp vợ chồng. Đây cũng là cái khéo của người làm thơ!
Trong cuộc sống gia đình tránh sao khỏi những bước thăng trầm. Cái hay, cái đẹp của bài thơ là ở chỗ:
“Mặn nồng, cay đắng có mình, có tôi.
Qua bao năm tháng cuộc đời.
Cơn đen, vận đỏ có tôi, có mình”.
Bài thơ có 16 câu thì 5 câu tác giả dùng đại từ nhân xưng “Tôi - mình”. Điệp ngữ là vậy, nhưng người đọc vẫn không cảm thấy thừa, chán. Ngược lại, còn thấy thiết tha, yêu cuộc sống gia đình hơn. Vợ chồng sướng khổ có nhau. Đó là đạo lý muôn thuở của nghĩa tao khang.
Càng đọc, độc giả càng thấy những câu thơ cứ lắng đọng trong lòng, nhất là thế hệ người cao tuổi, lớp người từng trải qua những việc lớn trong đời như: gây dựng tương lai cho con cái, lo cha già, mẹ héo.
“Lo xong việc lớn gia đình.
Tóc tôi đã bạc, răng mình lung lay.
Các con lần lượt riêng tây.
Soong xưa méo miệng, kiềng này long chân.
Cầm tay nhau những tần ngần.
Chiêm bao một giấc, tuổi xuân qua rồi”.
Những câu thơ trên nghe sao mà da diết, thiết tha, xúc động lòng người đến thế! Ai đã trải qua cái tâm trạng “giật mình” khi nhận ra rằng: Quỹ thời gian của mình đã bị vơi đi quá nhanh, trong sự bộn bề lo toan công việc của cuộc sống, mới thấy những lời “gan ruột” của ba cặp lục bát trên. Nhưng không phải là sự hối tiếc, mà là tâm trạng mãn nguyện:
“Cười lên cho thắm làn môi
Cho hồng bếp lửa, cho tôi với mình”.
Lời tự sự của tác giả, cũng là tiếng nói chung, thay cho người đời. Thơ là vậy!
Bài thơ mở đầu và kết thúc đều bằng hình ảnh “Chiếc soong nhỏ, cái kiềng xinh”. Đây cũng là một quan niệm về hạnh phúc đời thường hết sức nhân văn. Bình thường thì một cái soong đã méo miệng, với cái kiềng long chân, người ta đã vứt chúng đi từ lâu. Nhưng vì chúng đã: “Hành quân đi giữa với mình và tôi”, suốt cả chặng đường đời, chứa đựng bao điều ngọt bùi, cay đằng, mặn nhạt có nhau. Chúng không chỉ là ngọn lửa của sự sống vật chất, mà còn là ngọn lửa sưởi ấm trái tim. Vì vậy, chúng đã trở thành những kỷ vật thiêng liêng, tượng trưng cho lòng chung thủy (chất keo gắn kết và cũng là đạo lý vợ chồng).
Bên cạnh những ưu điểm như đã phân tích ở trên, thì bài thơ cũng còn một só khiếm khuyết như: Ít (thậm chí gần như không có) phát hiện. Tứ thơ chưa hàm súc. Hình thức nghệ thuật và tính chuyên nghiệp chưa cao.
Nguyễn Văn Cự