Chiếc mũ tai bèo
Hằng năm, cứ vào cuối tháng 12, chọn ngày nắng đẹp, mẹ tôi lại đem chiếc mũ tai bèo ra phơi: Trước khi treo lên dây thép mẹ còn nâng trên tay, lật đi lật lại mãi như muốn tìm điều gì ẩn chứa trong chiếc mũ. Rồi mẹ dừng lại ở chỗ có hai chữ: Bổng - Dung và mùng 10-8-Ất Tỵ. Đó là tên và ngày cưới của bố mẹ tôi. Nhìn dáng mẹ thẫn thờ đứng nhìn về phía xa xăm, nâng vạt áo lau nước mắt, tôi thấy chạnh lòng. Trời đông lạnh lẽo. Tôi dắt mẹ vào nhà, mời mẹ uống bát nước trà xanh nóng cho ấm bụng. Mẹ thắp nhang lên bàn thờ, chắp tay đứng nhìn di ảnh bố tôi hồi lâu rồi ra ngồi sát bên tôi, sệu sạo nói:
- Ngày báo tử bố con, con còn nhỏ quá. Từ ngày con lớn mẹ đã kể con nghe nhiều mẩu chuyện về bố. Còn chuyện này mẹ chưa kể.
- Còn chuyện gì mẹ kể con nghe đi? tôi cầm tay mẹ.
- Năm 1958, lần đầu tiên tỉnh nhà thực hiện nghĩa vụ quân sự. Ngày ấy tuyển quân kỹ lắm. Ai sức khỏe A1 mới được nhập ngũ, mà thời gian là ba năm cơ. Hết nghĩa vụ các bác, các chú đều về quê làm ruộng và lấy vợ. Bố con và chú Hải được điều lên Lào Cai làm lính biên phòng. Lá thư ngỏ lời yêu, bố con cũng viết từ biên giới. Năm sáu năm xa nhau, bố mẹ gửi không biết bao nhiêu thư. Chẳng ai bảo ai mà cả hai đều cất cẩn thận coi như vật báu.
- Vào thời ấy mà bố mẹ đã lãng mạn nhỉ?.
- Sau khi hai người cưới nhau mới gom thư lại để chung vào chiếc rương. Trước ngày tái ngũ, bố con lấy ra đọc hết những lá thư ấy. Ông tỏ ra mãn nguyện, trông người tươi hẳn lên, ôn lại bao chuyện cũ.
- Kỷ niệm mối tình đầu mà mẹ - tôi động viên.
- Đơn vị tập trung ở Hưng Yên huấn luyện gần 1 tháng. Trước khi vào Nam được nghỉ phép 1 tuần. May mắn sao kỳ nghỉ phép ngắn ngủi ấy lại có được con. Mẹ là con gái nhà nông có thêu thùa mấy đâu mà bố con bắt mẹ thêu hai chữ: Bổng - Dung và ngày cưới vào mũ. Bố con bảo khi hành quân vất vả, lúc chiến đấu vào sinh ra tử nhìn lên mũ thấy tên mẹ sẽ tự tin hơn. Gần 10 năm ở mặt trận Tây Nam Bộ và vùng phụ cận Sài Gòn chỉ bị thương nhẹ hai lần. Vậy mà trước khi xe tăng ta húc đổ cổng dinh Độc lập có hai tiếng đồng hồ, bố con đã hy sinh. Chiếc mũ này là di vật của bố được đơn vị gửi về cho mẹ. Cái vết màu nâu sẫm to bằng lá khế ở bên cạnh những chữ mẹ thêu là máu của bố con đấy. Mẹ sẽ giữ mãi kỷ niệm đau thương này.
- Chuyện quan trọng thế mà bây giờ mẹ mới nói. Nói xong tôi biết mình lỡ miệng, liền an ủi mẹ ngay để mẹ khỏi buồn.
- Đấy. Lý do vì sao ngày còn học cấp II con cứ nằng nặc đòi đưa mũ cho con đội đi học mà mẹ quyết không đưa, mặc dù rất thương con.
- Con hiểu. Ngày ấy con còn bé, thích cái gì đòi cái nấy.
- Mẹ có tiếc con gì đâu. Mẹ rất quý con, bù đắp cho con vì con thiệt thòi quá lớn, không biết mặt cha.
Thấm thoắt đã 50 năm nước nhà thống nhất. Bây giờ tôi đã là người lính, có vợ có con. Tôi quý chiếc mũ cối đính ngôi sao thế nào thì mẹ tôi quý chiếc mũ tai bèo của bố tôi còn hơn thế.
Tôi thật vô tình. Bao nhiêu năm qua, cứ vào mùa nắng hanh cuối tháng 12 mẹ tôi lại mang kỷ vật ra phơi. Tôi cứ nghĩ chỉ là phơi nắng cho mũ được thơm tho. Hóa ra mẹ tôi còn chọn vào dịp 22-12 - Ngày thành lập QĐND Việt Nam. Tôi khen mẹ. Mẹ cười, nói rằng gia đình nhà mình có ba đời bộ đội: Ông nội, bố và tôi, làm sao mẹ quên được ngày quan trọng ấy.
Lần nghỉ phép này tôi lại thêm một lần hiểu tấm lòng của mẹ.
Phùng Văn Đủ