Chiếc áo trấn thủ

Về hưu đã hơn 40 năm nhưng CCB Trần Phương 92 tuổi ở tổ 12, phường Trần Hưng Đạo, T.P Thái Bình, tỉnh Thái Bình vẫn luôn nâng niu kỷ vật của thời quân ngũ - chiếc áo Trấn Thủ, chiếc áo đã gắn với ông những ngày tháng “mưa dầm cơm vắt” 56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm, góp phần vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Thật hạnh phúc với cặp đôi CCB sống thọ và an yên như vợ chồng ông Trần Phương và bà Nguyễn Thị Mai Hiên. Ông Phương năm nay ở tuổi 92 còn bà Hiên ở tuổi 86. Duyên chồng vợ của hai CCB đã hơn 60 năm được bà Hiên kể lại:  

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tháng 8-1954, Đại đoàn 316 (sau là Sư đoàn) đơn vị của ông Trần Phương về Thái Bình làm nhiệm vụ chống địch cưỡng ép đồng bào di cư vào Nam, khi ấy bà Hiên là chiến sĩ quân báo C25 huyện Kiến Xương. Người lính trẻ vận chiếc áo trấn thủ điển trai quê tận Yên Luật, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, miền quê với rừng cọ, đồi chè với sông Lô cuộn chảy Trần Phương đã say lòng với nữ quân báo Mai Hiên xinh đẹp và nhanh nhẹn. Hai người ước hôn rồi nên vợ nên chồng từ năm 1958.

Bà Hiên nhẹ nhàng sửa lại chiếc áo trấn thủ ông Phương mặc lên người và tiếp tục câu chuyện. Chiếc áo trấn thủ là kỷ vật của thời quân ngũ, kỷ vật những năm tháng ông Trần Phương và đồng đội nếm trải “mưa dầm cơm vắt” 56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Cho đến nay, chiếc áo trấn thủ vẫn được ông, bà gìn giữ như một kỷ vật. Thời gian có thể làm áo bạc màu, nhưng “ba mươi sáu đường gian khổ” thì vẫn hiện hữu!

Được khơi gợi về thời trai trẻ, khơi gợi về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, CCB Trần Phương rạng rỡ, ông chậm rãi kể về đời quân ngũ, tình nguyện tham gia quân đội từ tháng 5 năm 1948, thuộc lực lượng chủ lực Liên khu 10. Tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ông nằm trong đội hình chiến đấu Trung đoàn 176, Đại đoàn 316. Ngay từ tháng 11-1953, Trung đoàn 176 đã tham gia chuẩn bị chiến trường Tây Bắc, chiến đấu giải phóng thị xã Lai Châu, cùng đồng đội chốt chặn quân Pháp ở Him Lam, Bản Tấu cửa ngõ vào sân bay Mường Thanh. Tiếp đó là những ngày tháng đào hào, đào công sự siết chặt vòng vây quân Pháp trong cứ điểm Điện Biên Phủ. Với bộ đội ta, năm tháng ấy thật gian khổ; chỉ với xẻng bộ binh và cuốc chim đã đào hàng nghìn mét chiến hào xuyên đồi, xuyên núi. Chiều sâu chiến hào có chỗ tới trên 1,7m, chiều rộng chiến hào trên 2m, để bộ đội vừa chiến đấu vừa có thể cấp cứu thương binh.

Khi quân Pháp xây dựng các boong ke, hầm ngầm, bộ đội ta dùng kế “đào hầm trị hầm ”. Đơn vị của ông Phương đã bí mật đào những đường hào chọc thẳng theo hướng hầm ngầm của quân địch, cuối mỗi chiến hào có ngách ngang để đặt thuốc nổ hướng về phía hầm ngầm của địch và sau những mét chiến hào thẫm đẫm máu và mồ hôi của chiến sĩ Điện Biên, sau những tiếng nổ rung trời là một lô cốt, một hầm ngầm của quân Pháp bị phá tung. Cứ thế, các Đại đoàn của ta siết chặt vòng vây và ngày 7-5-1954, quân ta đập tan cứ điểm Điện Biên Phủ của thực dân Pháp.

Ở tuổi 92, CCB Trần Phương có 30 năm trong quân ngũ. Cuộc đời quân ngũ của ông gắn với núi rừng Tây Bắc. Ông đã tham gia trọn hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Bàn chân của ông đã đi qua bao dốc, bao đèo, từ Chiến dịch Sông Lô 1949, Chiến dịch Biên Giới thu đông 1950, Chiến dịch Hòa Bình 1952, Chiến dịch giải phóng Tây Bắc và Chiến dịch lịch sử Điện biên Phủ oai hùng. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, bàn chân của CCB Trần Phương cùng đồng đội giúp nước bạn Lào giải phóng Sầm Nưa. 30 năm quân ngũ, từ người chiến sĩ chân trần áo vải, ông Trần Phương trưởng thành là Tiểu đội trưởng, Trung đội trưởng, Tiểu đoàn trưởng, Trung đoàn trưởng, cho đến khi nghỉ hưu 1978 với cương vị Chủ nhiệm Chính trị Trường Quân chính quân khu Tây Bắc. Ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 7 Huân chương các hạng, được Chính phủ Lào tặng thưởng Huân chương; được trao tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.

Kỷ niệm 65 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5), xin mượn chiếc áo Trấn Thủ của CCB Trần Phương để nhắc nhớ về sự kiện lịch sử hào hùng của đất nước.

Nguyễn Công Liêm