Chiếc áo Bác Hồ tặng

Hưởng ứng phong trào đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng, năm 1930 - 1931, người dân Yên Phúc tổ chức các cuộc biểu tình đòi chính quyền thực dân - phong kiến bãi bỏ sưu cao thuế nặng và bất công xã hội, thành lập chính quyền Xô viết, chia lại ruộng đất cho dân nghèo. Yên Phúc là một trong những nơi có đội Tự vệ được thành lập sớm và hoạt động quy củ nhất. Dưới sự chỉ huy của Đội trưởng Nguyễn Văn Uy, Tự vệ Đỏ Yên Phúc đã nhiều lần tiến hành trừng trị, trấn áp những tên ác ôn trong bộ máy cai trị. Lực lượng tự vệ thực sự là chỗ dựa quan trọng của quần chúng nhân dân và tổ chức Đảng.Chiếc áo lụa Bác Hồ gửi tặng ông Nguyễn Văn Uy.

Cuối năm 1931, địch khủng bố "trắng", phong trào đi vào thoái trào, làng mạc bị đốt phá, khắp nơi diễn ra cảnh khám xét, bắt bớ và đánh đập, tra tấn dã man. Nhiều người phải rời bỏ nhà cửa, làng mạc chạy vào rừng sâu, vùng biên giới Việt - Lào để tránh sự truy lùng của địch. Ông Nguyễn Văn Uy sa vào tay địch, bị giam tại nhà lao Vinh, sau đó chuyển vào ngục Kon Tum. Trong chốn lao tù, người con ưu tú của làng Yên Phúc bị dùng nhục hình dã man, tàn bạo để tra tấn nhưng ông luôn quyết tâm giữ vững bản lĩnh và khí tiết của người cộng sản. Tù nhân có biệt danh “Cố Uy” trở thành một trong những người đứng đầu các cuộc đấu tranh khiến bọn cai tù phải kiêng nể.

Đầu năm 1945, Nguyễn Văn Uy được ra khỏi tù, trở về quê hương sau gần 15 năm sống trong ngục tối. Như con chim được trở lại với bầu trời, ông tìm cách liên hệ với cơ sở cách mạng để tiếp tục tham gia đấu tranh. Những ngày mùa Thu lịch sử, ông lại dẫn đầu Đội Tự vệ Yên Phúc, phối hợp với các làng trong tổng tiến vào đồn Kim Nhan, buộc bọn lính Nhật phải hạ vũ khí đầu hàng, sau đó, đấu tranh buộc bọn hào lý phải giao nộp ấn tín. Yên Phúc trở thành nơi giành được chính quyền sớm nhất phủ Anh Sơn.

Những năm sau đó, ông Nguyễn Văn Uy là người đi đầu trong việc vận động nông dân khai hoang sản xuất. Trong dịp về thăm quê lần thứ nhất (6-1957), được nghe câu chuyện về tấm gương chiến đấu của chiến sĩ cách mạng Nguyễn Văn Uy, Bác Hồ đã nhờ Tỉnh ủy Nghệ An trao tặng ông chiếc áo lụa, là món quà do Hội Mẹ chiến sĩ Hoa - Việt và Hội LHPN thị xã Lạng Sơn gửi tặng Bác. Một năm sau, ông Uy được ra Thủ đô Hà Nội dự Đại hội Nông nghiệp toàn miền Bắc, được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và vinh dự được tặng huy hiệu của Người.

Nguyên Phong