“Chìa khóa” chống đại dịch
Không phải chỉ tôi mà với mọi người; không chỉ nước ta mà với tất cả các nước trên hành tinh này, đến giờ cũng còn đang hiểu rất mù mờ về loại dịch đầu tiên xuất hiện ở Vũ Hán (Trung Quốc) - với cái tên cũng rất mù mờ là Corona.
Nó đã và đang thách thức loài người tìm ra được nguồn gốc của nó, chứ chưa nói gì đến đánh bại nó. Nó rất khủng khiếp. Chống nó nhiều nước lớn cũng từng “vỡ trận”, mà Ấn Độ là một ví dụ. Người chết vì dịch trung bình mỗi một phút có tời hàng trăm người! - Chết nhiều đến mức tất cả các lò thiêu đều bị quá tải. Nếu tính cả thế giới thì con số người chết do đại dịch thật kinh hoàng.
Nước ta 3 đợt đầu chống dịch rất thành công. Đến lần thứ 4 dịch bùng phát kéo dài mấy tháng liền ở một số tỉnh phía Nam, rồi lan ra nhiều tỉnh khác trong cả nước gây thiệt hai về người và của thật lớn. Nguyên nhân để dịch bùng phát, một phần do biến thể mới có tốc độ lây lan nhanh, một phần do ta còn bị động trong cách ứng phó.
Nhưng đến nay, với tài điều hành của Chính phủ đã huy động được cả bộ máy chính trị từ T.Ư đến địa phương cùng sự ủng hộ tuyệt đối của toàn dân, dịch đang từng bước được kiểm soát...
Tại hội nghị sơ kết gần đây nhất, Chính phủ đã biểu dương và đánh giá rất cao sự tham gia hiệu quả, thiết thực của Công an và Quân đội. Đây là hai lực lượng vô cùng quan trọng được điều động đến “tâm dịch”, rất kịp thời, hành động hiệu quả.
Quân đội được điều động với con số lên đến hàng nghìn người, vừa làm nhiệm vụ canh gác, vừa chăm lo cho đời sống người dân trong vùng cách ly.
Còn Công an, ngoài trấn phá tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự xã hội, còn canh gác, theo dõi từ các cửa khẩu đến những đường ngang ngõ tắt; rồi phong tỏa, truy xét những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm, từ F0, F1, F2, F3… và cũng có rất nhiều việc làm gây xúc động mạnh trong cộng đồng, như hình ảnh các chiến sĩ công an mở đường đưa một người phụ nữ đi cấp cứu, mổ đẻ giữa mùa Covid; dẫn đường người từ vùng dịch về quê... Không thể kể hết những việc làm tốt đẹp của họ. Tôi chưa bao giờ mất niềm tin vào lực lượng đặc biệt này, kể cả, lúc đó, đây cũng còn những vụ việc đáng tiếc, nhưng chỉ là cá biệt.
Hai lực lượng cùng với đội ngũ “mẹ hiền” là những người vất vả nhất, nguy cơ nhất, rủi ro nhất. Nhiều anh chị em xả thân, hy sinh vì sự bình yên của chúng ta.
Trở lại “con Covid” - nó vẫn đang rình rập quanh chúng ta, nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào. Đây là điều chúng ta phải quan tâm nhất. Quan tâm số một là nâng cao ý thức của người dân. Phải thành thực nói rằng bên cạnh số đông tự giác, vẫn còn những người dân mình ý thức chưa tốt. Có người còn lén lút đưa, chứa chấp người bên ngoài biên giới vào trong nước, mà không cần biết họ có mang mầm bệnh hay không. Nếu cứ có sự tiếp tay của những người “nối giáo cho giặc” thì mọi cố gắng của Chính phủ, của tất cả chúng ta sẽ thành vô nghĩa, “cuộc sống bình thường mới” khó mà thành hiện thực.
Dịch Covid-19 rất nguy hiểm. Chúng ta cần phải phòng tránh từ xa. Phòng tránh bằng thực hiện “5K” và tiêm vắc-xin. Còn khi đã nhiễm rồi thì không đơn giản, vì chữa trị rất tốn kém.
Nước ta chưa thông tin đầy đủ về sự tốn kém trong phòng, chống dịch, nhưng theo số liệu của Trung Quốc công bố thì quốc gia này phải chi một khối lượng tiền khủng khiếp đến hàng nghìn tỷ USD để chống dịch.
Một bác sĩ (xin được dấu tên), tại bệnh viện T.Ư Vũ Hán chia sẻ, chi phí chữa trị cho một bệnh nhân mắc Corona Vũ Hán nặng tại Trung Quốc, từ khi vào viện cho đến khi ra viện, nếu dùng EcMo (ô xi hóa máu bằng màng ngoài cơ thể) chữa trị, tính bằng tiền Việt Nam, khoảng 1,2 tỷ đồng. Nếu không dùng EcMo cũng phải chi khoảng 600 triệu đồng. Đó là chữa giai đoạn đầu, sau khi ra viện vẫn phải tiếp tục theo dõi, kiểm tra hằng tháng nữa, mà vẫn không thể đảm bảo được tỷ lệ chữa khỏi hoàn toàn.
Cũng theo lời ông bác sĩ trên, để chữa trị cho 1 bệnh nhân Corona nặng, cần đến 5-6 bác sĩ, mà chỉ tính tiền cho bộ quần áo chống nhiễm vi-rút cũng đã hơn 1 triệu đồng/bộ.
Quá trình chữa trị, bác sĩ chỉ cần uống nước hay đi vệ sinh, là bộ trang phục đó phải hủy bỏ để thay bộ mới. Bình quân trong một ngày, các bác sĩ phải thay khoảng 10 bộ.
Như thế, chỉ riêng quần áo chống nhiễm dịch cho bác sĩ cũng đã phải chi phí đến hơn 10 triệu đồng rồi. Đấy là còn chưa kể thuốc, y cụ, ống truyền cho bệnh nhân, rất tốn kém và nguy hiểm.
Chúng ta không hoảng loạn, cần tin tưởng vào Chính phủ và đội ngũ thầy thuốc của chúng ta. Nhưng rõ ràng mỗi người dân lúc này phải đổi mới tư duy, phải có ý thức tự giác phòng, chống dịch.
Đây chính là “chìa khóa” chống đại dịch.
Trần Đăng Khoa