Chỉ vì nằm võng đã quen (23/12/2010)

Quốc Lương là hoạ sĩ, người Sài Gòn, lên chiến khu từ năm 1964, chuyên vẽ tranh tĩnh vật trên các báo, nên anh em kêu "hắn" là " Tĩnh Lương". Ngọc Bích - người Hà Nội, đi đánh giặc bằng nghề nhiếp ảnh, anh em kêu là "Phó nháy". Tôi đang học Đại học Thương nghiệp thì " gác bút nghiên theo việc binh đao", vào B2 cùng Xuân Bối, vừa làm bản tin của Cục Tham mưu, vừa làm trợ lý văn hoá, anh em kêu là "Thầy đồ".

Ngày 27-1-1973, ký kết Hiệp định Pari về Việt Nam, chúng tôi từ đất nước Chùa Tháp trở về Tổ quốc. Bầu trời Lộc Ninh đã trong xanh hơn, nhu cầu chọn vợ kén chồng cũng hình thành. Nhưng "chất nữ" ở chiến khu còn hiếm hơn "ngọc trong đá". Vậy mà tay Quốc Lương "cuỗm" ngay được Hồng Xuân, một hoạ sĩ từ Hà Nội vào tăng cường cho Hội Văn nghệ Giải phóng. Anh Tám Hiếu - Trưởng ban Tuyên huấn, cử tôi và Bích ra khu rừng gần thị trấn Lộc Ninh chọn địa điểm làm cho đôi uyên ương một căn nhà, cho khách một dãy lán... để tổ chức lễ thành hôn. Vì đây sẽ là nơi tiếp khách bên Chính phủ lâm thời, nên tay Bích "vẽ" ra đủ kiểu. "Hắn" bàn với tôi:

  • Theo em, cái nhà phải làm trên chỗ cao cao này. Cây me kia chớ có chặt đi, vì trên ấy không những có nhiều hoa phong lan mà quả me còn cần cho Hồng Xuân khi thèm chua, khát chát. Trước cửa làm cái sân cho rộng, vừa làm nơi tổ chức đám cưới, vừa làm chỗ cho hai đứa " đuổi nhau" trong tuần trăng mật. Cắt một con đường mòn vòng vo qua suối, bắc một cái cầu có tay vịn vừa để "chúng" đứng ngắm đàn cá bơi theo làn nước chảy, vừa giả làm cầu Sài Gòn để " anh ả" đón hoàng hôn tím sẫm phía chân trời. Ngay nách nhà, chỗ con suối chảy qua, bắc một cái cầu ao để chúng nó vừa khua chân khuấy nước, vừa thà thũng tắm, kỳ cọ cho nhau. Trong phòng tân hôn của hai đứa lắp một dàn dây điện nhấp nháy, nguồn điện là những ác quy dùng dở xin bên phòng thông tin...

Tôi cười cười, bảo: "Vẽ!". Cậu ta hiểu được từ "vẽ" của tôi, và anh em cứ thế làm. Đây là đám cưới đầu tiên của Ban Tuyên huấn chúng tôi, lại có cô dâu bên Chính phủ, nên khách cứ nườm nượp suốt cả ngày. Hồi đánh Mỹ, ở các chiến trường có câu "ăn B2, ngủ B3, vào ra B1", nên thực phẩm ở đây chả thiếu gì. Ai đến mừng cho đôi uyên ương là "cắc" là "cụng". Hôm ấy là một ngày cuối thu của năm 1973, rừng Lộc Ninh đã vào đêm, trời se lạnh mà khách vẫn đông. Tôi đang ngồi tiếp người nhà Hồng Xuân từ miền Tây Nam Bộ lên, thì tay Bích hớt hải nháy tôi ra chỗ hắn.

Tôi hỏi:

  • Gì vậy?

  • Không có giường!

  • Sao phải giường?

  • Bố này chả hiểu gì. Thế đêm tân hôn lại để hai đứa nằm võng à?

  • Chết cha! Vẽ cho lắm thứ vào, có cái thiết thực nhất lại quên.

Bích gãi tai:

  • Thì hàng chục năm nằm võng, bố ai còn nhớ cái giường!

  • Vậy mấy giờ rồi?

Bích cười ngặt nghẽo, chỉ vào cái đồng hồ tôi đang đeo trên tay. Tôi cũng cười rũ rượi như Bích, rồi gọi Xuân Bối, phân cho hắn bày ra mấy bàn đánh " tiến lên" để ghìm chân khách lại. Còn tôi và Bích lao ngay ra rừng cưa đại mấy cái cây, to bằng ngón chân cái, lại ken thưa ra " cho chúng nó nhớ đời!".

Hết tuần trăng mật, hai đứa đưa nhau về cứ. Hồng Xuân mặt mày hơn hớn, Quốc Lương sọm hẳn đi, ngồi đâu gật đấy. " Cho mày chết!". Tôi và Bích nhìn nhau tủm tỉm cười, rồi lỉnh đi nơi khác ...

Nguyễn Công Viễn