Khác với chính quyền cựu Tổng thống Obama, ông Trump hiện tại chủ trương đặt lợi ích nước Mỹ lên trên hết, đồng nghĩa tạm đưa quan hệ Mỹ với Liên minh châu Âu (EU) và với Đức nói riêng về vị trí ít ưu tiên hơn. Trong cuộc gặp ở Phòng bầu dục lần này, lãnh đạo hai cường quốc hàng đầu thế giới ở hai bờ Đại Tây Dương tuy thể hiện sự tương đồng trong một số vấn đề, nhưng cũng không ngần ngại bày tỏ những quan điểm trái chiều về nhiều vấn đề “nóng” như tự do thương mại, khủng hoảng di cư và đóng góp ngân sách cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trong vấn đề thương mại, ông chủ Nhà Trắng thẳng thắn yêu cầu “những chính sách công bằng và đôi bên cùng có lợi” giữa Washington và Berlin. Đáp lại, Thủ tướng Merkel thừa nhận “công bằng chỉ có được khi hai bên cùng có lợi từ các thỏa thuận đạt được” và hy vọng hai bên sẽ nhanh chóng nối lại các cuộc đàm phán về tự do thương mại xuyên Đại Tây Dương. Trong vấn đề người di cư, Tổng thống Trump cho rằng “nhập cư là một đặc ân chứ không phải là quyền, và sự an toàn cho người dân (Mỹ) luôn được đặt lên hàng đầu”. Trong khi bà Merkel khẳng định phải giải quyết tình trạng người nhập cư, giúp đỡ, tiếp nhận người di cư và đương đầu với các mối đe dọa cực đoan. Tổng thống Trump khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ đối với NATO, song kiên định lập trường rằng các nước thành viên cần tăng ngân sách quốc phòng và đóng góp “một cách công bằng” cho sự tồn tại của tổ chức quân sự này. Ông một lần nữa hối thúc Berlin tăng ngân sách quốc phòng hiện ở mức 1,2% lên mức 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Đây không phải lần đầu ông Trump nhấn mạnh vấn đề tài chính không đồng đều giữa Mỹ với các đồng minh của mình.
Từ trước đến nay, Mỹ và Đức luôn theo đuổi nhất quán chủ trương củng cố quan hệ đối tác truyền thống. Thực tế, cả hai bên cùng được hưởng lợi từ mối quan hệ gắn kết này. Đi một mình không phải là một lựa chọn cho cả châu Âu và Mỹ, nhất là vào thời điểm thế giới có nhiều biến động như hiện nay, đặc biệt là vấn đề an ninh. Bất chấp những bất đồng âm ỉ giữa hai đồng minh truyền thống, quan hệ xuyên Đại Tây Dương vẫn sẽ được củng cố, nhưng phải có những điều chỉnh nhất định để phù hợp với chính sách của mỗi bên và tình hình thực tế của thế giới.
Đăng Song