“Chết cô độc” - Không độc Nhật Bản!
Rất tiếc là có tình trạng xã hội càng văn minh thì tình cảm, mối liên kết giữa con người với con người lại có xu hướng doãng ra!
Điển hình như “Tin sốc từ Nhật Bản” - năm 2024, nước này có tới hơn 76.000 trường hợp là những người già sống một mình, không nơi nương tựa chết không ai biết (chết cô độc) phải khám nghiệm tử thi. Trong đó có gần 29.000 người được phát hiện sau khi chết 1 ngày; 7.000 người phát hiện sau 31 ngày; thậm chí có tới 253 người sau khi chết hơn 1 năm mới được phát hiện!
Thật xót xa. Sao thế?
Đương nhiên không phải do nghèo đói! Nhưng dư luận chung ở Nhật Bản cũng tỏ ra không quan tâm lắm 3 nguyên nhân mà nhà nghiên cứu Masataka Nakagawa, làm việc tại Viện quốc gia về nghiên cứu an sinh xã hội và dân số nước này vừa đưa ra: Ít có nhiều thế hệ sống cùng nhau trong một gia đình; tỷ lệ kết hôn, sinh con ngày càng giảm; tuổi thọ ngày càng cao, nên một trong hai của cặp vợ chồng già phải sống độc thân.
Không quan tâm, vì 3 nguyên nhân trên là vấn đề của xã hội, nó diễn ở hầu khắp các gia đình từ lâu, ngày càng tăng và thực tế là cũng không dễ khắc phục!
Có chấm dứt được tình trạng để người già không chết trong cô độc không? Sao không. Thậm chí hoàn toàn khắc phục được, nếu “người sống” có trách nhiệm làm tốt chính sách an sinh xã hội. Và phải được quy định thành luật, với những giải pháp căn cơ, khoa học, bảo đảm đáp ứng đủ điều kiện sống cho người già, như người phục vụ, chăm sóc, hệ thống công viên, bệnh viện, nhà dưỡng lão… Nhất là trong điều kiện khoa học công nghệ phát triển như hiện nay thì lại càng có điều kiện thuận lợi hơn để bảo vệ người già không phải sống trong cô độc, chứ chưa nói chết trong cô độc!
Tình trạng người già chết trong cô độc không chỉ xảy ra ở Nhật Bản, mà đã và đang là nỗi lo, nếu như không muốn nói là day dứt của người sống ở nhiều nước, trong đó có nước ta!
Huy Thiêm