Suy tim xảy ra khi cơ tim không còn đủ sức để bảo đảm nhu cầu của cơ thể về ô-xy ngoại biên. Đây là biến chứng cuối cùng của tất cả các bệnh về tim, động mạch và các bệnh toàn thân. Do tình trạng của từng bệnh mà tim có thể suy một bên trước rồi dẫn đến suy tim toàn bộ hoặc suy tim toàn bộ ngay từ đầu.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến suy tim. Suy tim trái do tăng huyết áp, hở van 2 lá, van động mạch chủ, nhồi máu cơ tim, viêm cơ tim do thấp tim, nhiễm độc hay nhiễm khuẩn các bệnh cơ tim khác, hẹp eo động mạch chủ. Suy tim phải do các bệnh về phổi mãn tính, hen phế quản, viêm phế quản, hẹp van 2 lá. Suy tim toàn bộ: từ suy tim trái tiến triển thành suy tim toàn bộ, cơ tim giãn, viêm cơ tim toàn bộ do thấp hay thiếu vi-ta-min B1, bệnh cường giáp trạng. Từ các nguyên nhân đó dẫn đến hậu quả làm cung lượng tim bị giảm, khối lượng máu đến các cơ quan bị giảm trong thời gian một phút, áp lực tĩnh mạch, ngoại biên tăng cao làm cho máu ứ trệ ở nhiều phủ tạng. Suy tim có 4 giai đoạn, gồm: Biểu hiện khó thở khi gắng sức, mạch nhanh lớn hơn 90 lần/phút; khó thở thường xuyên, gan to, phù 2 chi dưới; các triệu chứng trên rất rõ, có khi có cổ trướng, tràn dịch màng phổi, nhưng còn khả năng phục hồi; suy tim không còn khả năng hồi phục.
Chính vì vậy cần có một chế độ ăn cho bệnh nhân suy tim, lưu ý quan trọng nhất là giảm lượng muối và nước. Năng lượng dưới 1.500 kcalo/ngày, nên dùng prô-tê-in từ sữa, cá khoảng 0,8g/kg/ngày. Dùng loại đường đơn dễ hấp thụ từ hoa quả, mật cung cấp chất glu-xít. Ăn nhiều rau quả vì chứa nhiều ka-li nên có tác dụng lợi tiểu rất tốt cho bệnh nhân suy tim. Tránh dùng các thức ăn sinh hơi, các loại thứ ăn lên men (trứng, đậu, đỗ). Hạn chế các thức ăn kích thích thần kinh như chè, cà-phê, rượu, các loại gia vị… Một chế độ ăn sữa, rau quả, khoai có thể thỏa mãn được các nguyên tắc trên vì chứa ít muối lại chứa nhiều ka-li, nhiều yếu tố kiềm chống được tình trạng toan và có ít prô-tê-in, có nhiều đường giúp cho chuyển hóa tốt, ít năng lượng để cho bộ máy tiêu hóa được nghỉ ngơi.
BS Lê Thị Hải