Chê bai tiến sĩ, một góc nhìn khác!

Dư luận xã hội đang lên “cơn sốt” với luận án tiến sĩ (Ngành Giáo dục học) có tên “Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức, viên chức T.P Sơn La”. Xu hướng chủ đạo là chê bai đề tài này không xứng tầm luận án tiến sĩ.

Ngay cả các chuyên gia trong Ngành Giáo dục học cũng nhiều người nhận xét rằng, đề tài như vậy là quá hẹp, diện khảo sát cũng trong phạm vi rất nhỏ nếu so với tầm vóc của một luận án tiến sĩ. Từ tâm lý đó, cộng đồng mạng còn “đào” ra vô vàn luận án tiến sĩ đã được bảo vệ thành công, chỉ ra sự tầm thường, na ná, sao chép lẫn nhau của các đề tài. Rút cuộc, làn sóng chê bai chất lượng đào tạo tiến sĩ của Việt Nam đang tràn ngập trên không gian mạng.

Trên nhiều tờ báo chính thống, nhiều người cho rằng tình trạng đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam hiện là tràn lan, chất lượng thấp. Có người phê phán cả chiến lược đào tạo tiến sĩ của Chính phủ, cho rằng mục tiêu đào tạo 20.000 tiến sĩ trong 10 năm (2010-2020) cho các trường đại học, cao đẳng chính là “bệnh thành tích” và cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiến sĩ “giấy” ngày càng nhiều. Nhiều cơ quan báo chí đăng bài đả kích “bệnh háo danh”, thói sính bằng cấp của người Việt.

Vậy số lượng đào tạo tiến sĩ của Việt Nam đã nhiều hay chưa? Xin thưa là chưa nhiều, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước. Điểm mặt các quốc gia đứng đầu thế giới về đào tạo tiến sĩ hằng năm đều là những cường quốc phát triển, như Hoa Kỳ, Đức, Anh, Nhật Bản, Pháp, Tây Ban Nha, Italia... Một quốc gia đang vươn lên mạnh mẽ là Ấn Độ cũng đang gia tăng số lượng tiến sĩ với tốc độ chóng mặt và gia nhập Top10 thế giới về lĩnh vực này. Hãy thử so sánh Vương quốc Anh với Việt Nam, dân số của họ chỉ khoảng 60 triệu người, những năm gần đây, mỗi năm họ đào tạo 25.000 tiến sĩ (Việt Nam đào tạo khoảng 1.500 tiến sĩ/năm). Hoặc so sánh với Nhật Bản, với dân số hơn 125 triệu người, mỗi năm họ đào tạo khoảng 17.000 tiến sĩ. Như vậy thì thấy, về số lượng tiến sĩ đào tạo hằng năm, chúng ta còn rất nhỏ bé so với hai cường quốc nói trên. Cho nên, số lượng tiến sĩ trong chiến lược đào tạo của Chính phủ là cần thiết, và trong tương lai, số lượng ấy cần tiếp tục tăng thêm.

Về chất lượng đào tạo tiến sĩ, chẳng có gì phải xấu hổ khi thừa nhận rằng, chất lượng đào tạo của Việt Nam chưa bằng được các cường quốc giáo dục trên thế giới. Nhưng còn bình phẩm về chất lượng các luận án cụ thể thì cần cân nhắc, phân tích thật thấu đáo. Còn nhớ, cách đây ít năm, dư luận xã hội cũng dậy sóng với một luận án tiến sĩ ngôn ngữ học có tên là “Hành vi nịnh trong tiếng Việt”. Nhiều người cho rằng, có mỗi cái hành vi cỏn con ấy, mà cũng làm một luận án tiến sĩ thì thật tầm thường. Nhưng nhiều nhà ngôn ngữ học sau đó lên tiếng cho rằng, đó là một đề tài hay. Hơn nữa, trong khoa học, phạm vi nghiên cứu càng hẹp thì càng khó làm. Vấn đề thực sự đáng quan tâm là đề tài có đem lại thông tin khoa học mới hay không, có đóng góp thực sự cho học thuật trong lĩnh vực nghiên cứu hay không? Các Mác (Karl Marx), nhà khoa học thiên tài đã bảo vệ luận án tiến sĩ triết học có tên là “Về sự khác nhau giữa triết học tự nhiên của Đêmôcrit (Démocrite) và triết học tự nhiên của Êpiquơ (Épicure)”. Năm đó, Các Mác 23 tuổi và nhiều nhà triết học đương thời chê rằng, đề tài luận án của ông quá đơn giản. Nhưng Các Mác và rất nhiều nhà khoa học thời kỳ đó đều quan niệm, tấm bằng tiến sĩ chỉ là tấm giấy thông hành cho họ bước chân vào nghiên cứu khoa học. Sự nghiệp khoa học là cả cuộc đời và việc làm nghiên cứu sinh để có tấm bằng tiến sĩ chỉ là bước đầu tiên. Điều này khác với quan niệm của phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Hệ thống khoa cử thời phong kiến của Việt Nam đặt người mang danh tiến sĩ phải “thông kim bác cổ”, “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, giữa thấu lòng người”. Có thể nói, phương Tây quan niệm tiến sĩ là bước đi đầu tiên của một người trên hành trình nghiên cứu khoa học, còn người Việt Nam thì coi đó là một thành tựu, một chứng nhận cao nhất về kiến thức và đóng góp khoa học. Điều đó tạo ra độ “vênh” khi nhìn nhận, đánh giá về trình độ tiến sĩ của người Việt Nam.

Một điều đáng nói khác là những người chê bai trình độ tiến sĩ của Việt Nam thì khá đông trong số họ chưa phải là tiến sĩ, thậm chí nhiều người đã thất bại vì không lấy nổi tấm bằng thạc sĩ. Chê bai, phê phán là cần thiết, nhưng “gió tầng nào gặp mây tầng đó”. Bản thân mình chưa làm nghiên cứu sinh mà cứ lên mặt dạy Đảng, Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo... phải thế nọ, thế kia trong đào tạo tiến sĩ thì nghe cứ thấy sai sai thế nào!

Hà Thanh