Chất khoáng với sức khỏe
Canxi: Canxi liên quan đến hệ thống xương và răng trong cơ thể. Lượng canxi tồn tại trong cơ thể chủ yếu ở xương và răng (chiếm đến 99%). Vỏ tôm, các sản phẩm sữa, thịt nạc, trứng gà, cá, cua, canh sườn, các món hải sản, đậu nành, lạc là những thực phẩm giàu canxi.
Sắt: Sắt có trong mọi tế bào cơ thể, nhiều nhất ở trong máu. Khi cơ thể phát triển sẽ làm tăng cả về khối lượng và thể tích máu và cả hai yếu tố này đều cần tới chất sắt. Sắt có nhiều trong gan động vật, thịt nạc, mộc nhĩ đen, đậu nành, các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt cừu, tiết lợn, đậu đen, vừng đen, nấm, rau diếp và hến.
Kẽm: Trong cơ thể, kẽm tập trung nhiều ở hệ thần kinh trung ương, chiếm khoảng 1,5% tổng lượng kẽm. Ở người trưởng thành, cơ thể chứa khoảng 1,5-2,5g kẽm (tùy theo từng người). Các thực phẩm như sò, cá, thịt nạc, thịt bò, thịt dê, gan, trứng, sữa, đậu nành, táo, lá chè xanh đều chứa một lượng kẽm khá phong phú.
I-ốt: Trên 75% lượng i-ốt trong cơ thể được tập trung ở tuyến giáp và được sử dụng cho việc tổng hợp hormone giáp trạng. Những thực phẩm như cá biển, tôm biển, các loại rau tảo biển có chứa nhiều i-ốt.
Kali: Là thành phần cơ bản của tất cả các tế bào trong cơ thể và đặc biệt cần thiết cho sự phát triển tế bào. Đậu vàng, khoai tây, mộc nhĩ, lạc, lá chè xanh, táo đỏ, cam, quýt, hạt sen… giàu kali.
Magiê: Là chất khoáng có vai trò hết sức quan trọng trong những phản ứng sinh hóa của cơ thể. Ngô, gạo xây xát không kỹ, đậu xanh, đậu đũa, mộc nhĩ, vừng, rau xanh, cá… là nguồn thực phẩm giầu magiê.
Thanh Hòa