Chắp cánh ước mơ
Đại tá Nguyễn Thăng Long – Giám đốc Làng Hữu nghị Việt Nam trao tặng tiền hỗ trợ cháu Lê Đức Quang thôn Bột Trung, xã Hoằng Tân, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá.
Làng Hữu Nghị Việt Nam thuộc Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam có nhiệm vụ điều dưỡng, nuôi dưỡng và chăm sóc sức khoẻ cho các cựu chiến binh (CCB), cựu thanh niên xung phong (TNXP) là nạn nhân chất độc ca cam/ Dioxin trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có hoàn cảnh khó khăn, mang trong mình nhiều bệnh tật và các cháu bị khuyết tật bởi di chứng chất độc ca cam/ Dioxin là con, cháu CCB, cựu TNXP.
Trải qua 21 năm xây dựng và trưởng thành, được sự giúp đỡ của Nhà nước, Bộ Quốc phòng và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, đặc biệt là Uỷ ban Quốc tế về Làng Hữu Nghị, Làng đã đón nhận hơn 7.000 lượt CCB, cựu TNXP - nạn nhân chất độc da cam/ Dioxin của khắp các tỉnh, thành từ Thừa Thiên Huế trở ra phía Bắc về điều dưỡng, chăm sóc, chữa trị bệnh tật trong khoảng thời gian một tháng và gần 700 cháu ảnh hưởng bởi chất độc ca cam/ Dioxin về nuôi dưỡng. Hầu hết các cháu đều có sức khoẻ yếu, mắc nhiều loại bệnh tật khác nhau như chậm phát triển tâm thần, động kinh, dị tật vận động, câm điếc, mù loà, một số bị tăng động,...; thời gian các cháu ở Làng từ 3 đến 5 năm tuỳ thuộc vào mức độ bệnh tật và khả năng hoà nhập cộng đồng của mỗi cháu.
Trong suốt quãng thời gian ở Làng, các cháu không chỉ được nuôi dưỡng, chăm sóc về mặt sức khoẻ mà còn được tham gia học tập. Để giúp các cháu tăng thêm khả năng hoà nhập cộng đồng, Làng Hữu Nghị việt Namđã tổ chức các lớp dạy kỹ năng, dạy chữ và định hướng, dạy nghề cho các cháu. Phấn đấu đạt mục tiêu các cháu có trí tuệ bình thường sau khi rời Làng trở về với gia đình có thể sống tự lập, đây không chỉ là niềm ao ước, khát khao của các cháu và gia đình các cháu mà còn là nỗi trăn trở, là mục đích muốn hướng tới trong chiến lược phát triển lâu dài của Làng Hữu Nghị Việt Nam.
Sau nhiều năm hợp tác, giúp đỡ Làng Hữu Nghị Việt Nam, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của một số cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng nhiều nghị lực và quyết tâm mong muốn vượt qua số phận, Uỷ ban Quốc gia Mỹ rất quan tâm và đồng tình, ủng hộ quan điểm, mục tiêu của Làng, từ đó đã kêu gọi sự quyên góp của các nhà hảo tâm thành lập Quỹ hỗ trợ các cháu hoà nhập cộng đồng nhằm mục đích hỗ trợ giúp các cháu thực hiện “Dự án phát triển kinh tế gia đình” tạo điều kiện cho các cháu ổn định cuộc sống sau khi rời Làng.
Chương trình Dự án Hỗ trợ các cháu hoà nhập cộng đồng được chia làm hai giai đoạn, giai đoạn đầu, sau khi Dự án của các cháu được Làng Hữu Nghị Việt Nam và UBQG Mỹ phê duyệt, mỗi cháu được tạm ứng một số tiền để xây dựng cơ sở vật chất ban đầu như chuồng, trại, trang thiết bị và một số các vật dụng cần thiết; sau đó Làng đã tiến hành kiểm tra thực tế và xác nhận làm cơ sở để tiến hành thực hiện giai đoạn 2. Giai đoạn 2 Làng sẽ tiến hành trao toàn bộ số vốn còn lại cho các cháu đầu tư mua con giống hoặc hàng hoá để từng bước triển khai thực hiện “Dự án phát triển kinh tế gia đình” của cá nhân. Được biết sau khi xây dựng cơ sở hạ tầng và mua sắm thiết bị, vật chất, nhờ sự hỗ trợ của gia đình và vốn vay mượn của các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương, các cháu đã tiến hành thực hiện Dự án, bước đầu cũng đạt được kết quả hết sức thiết thực.
Ngày 28 và 29-8-2019, Đoàn công tác của Làng Hữu Nghị Việt Nam do Đại tá Nguyễn Thăng Long – Giám đốc Làng dẫn đầu đã về tận địa phương thăm từng gia đình và mô hình sản xuất chăn nuôi của 3 cháu tại hai tỉnh Thanh Hoá và Ninh Bình. Điểm đến đầu tiên của đoàn là gia đình cháu Lê Đức Quang thôn Bột Trung xã Hoằng Tân huyện Hoằng Hoá tỉnh Thanh Hoá. Cháu Lê Đức Quang là con cựu chiến binh Lê Đức Ngữ ( mất năm 2006, đã từng tham chiến ở chiến trường Tây Quảng Trị), và bà Lê Thị Tâng (năm nay 79 tuổi). Trước khi đi chiến trường, vợ chồng ông bà sinh được 3 người con đều khoẻ mạnh bình thường; sau khi ở chiến trường về, ông bà sinh thêm 4 người con nữa nhưng cả 4 người đều bị dị tật vẹo xương cột sống và thấp lùn giống nhau do ảnh hưởng chất độc da cam (cháu Lê Đức Quang sinh năm 1983, là con út của gia đình). Mô hình phát triển kinh tế của cháu Quang là chăn nuôi gà chọi, ấp thành con và bán gà giống.
Điểm tiếp theo của đoàn là gia đình cháu Đinh Thị Thuý sinh năm 1990, cháu nội của CCB Đinh Văn Bé (CCB Bé đã mất)`ở Tổ dân phố Yên Ninh thị trấn Khánh Linh huyện Yên Khánh tỉnh Ninh Bình. Cháu Đinh Thị Thuý bị câm điếc bẩm sinh. Mô hình phát triển kinh tế của cháu Thuý là mô hình “ Vườn - ao - chuồng” chăn nuôi bò sinh sản và bán bê con, chăn nuôi ngan và gà thịt đồng thời thả ao nuôi cá.
Và điểm đến cuối cùng của đoàn là gia đình cháu Nguyễn Thị Oanh, cháu nội CCB Nguyễn Ngọc Huy ở xóm 2 thôn Yên Cư xã Khánh Cư huyện yên Khánh tỉnh Ninh Bình. Cháu Nguyễn Thị Oanh bị bại liệt từ nhỏ, đi lại phụ thuộc vào xe lăn. Mô hình chăn nuôi của cháu Oanh là nuôi gà thịt, gà đẻ trứng và đào ao nuôi cá.
Thay mặt đoàn công tác, đại tá Nguyễn Thăng Long- Giám đốc Làng Hữu Nghị đã trao tặng toàn bộ số tiền hỗ trợ cho các cháu theo đề nghị trong từng Dự án cá nhân, cùng tham dự lễ trao tặng quỹ vốn nói trên còn có các đồng chí lãnh đạo chính quyền địa phương cùng với gia đình, người thân của các cháu. Tổng số tiền mỗi cháu nhận được sau hai giai đoạn cụ thể như sau:
Cháu Lê Đức Quang: 32 triệu đồng; cháu Đinh Thị Thuý: 33 triệu 450 nghìn đồng; cháu Nguyễn Thị Oanh: 34 triệu 750 nghìn đồng.
Cảm động trước tình cảm và sự quan tâm sâu sắc mang đầy ý nghĩa nhân văn của UBQG Mỹ và Làng Hữu Nghị Việt Nam đã dành cho con em quê hương mình, các đồng chí lãnh đạo chính quyền địa phương nơi 3 cháu đang sinh sống đã phát biểu cảm ơn và hứa sẽ quan tâm chăm lo hơn nữa tới những đối tượng chính sách, những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt như cháu Quang, cháu Thuý và cháu Oanh.
Kết thúc chuyến công tác, đoàn cán bộ Làng Hữu Nghị trở về Làng mang theo dấu ấn và những cảm xúc đặc biệt xen lẫn niềm vui, hạnh phúc sau khi làm được những việc có ý nghĩa, việc làm đó không chỉ tạo cơ hội mà đã chắp cánh ước mơ cho các cháu không lành lặn, để các cháu có đủ tự tin, vững bước trên con đường đời.
Phạm Thị Tuyết Thanh