Chào mừng kỷ niệm 71 năm Ngày Quốc khánh 2-9: Vinh quang con đứng bên Người

Tại Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày truyền thống Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và đón nhận Huân chương Độc lập hạng nhì, Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương-Trưởng ban Ban Quản lý Lăng đã có bài phát biểu khái quát về quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc biệt của Ban Quản lý Lăng trong những năm vừa qua. Ông nhấn mạnh: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình có ý nghĩa chính trị, văn hóa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Là hình ảnh thiêng liêng, biểu tượng đặc sắc, hội tụ những tinh hoa về đạo đức, văn hóa, nhân cách Hồ Chí Minh và truyền thống dân tộc, có giá trị thiết thực đối với việc giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách cho mỗi người dân Việt Nam. Đồng thời là cầu nối về văn hóa và tình hữu nghị giữa dân tộc ta với bạn bè quốc tế. Với ý nghĩa đó, nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới không chỉ là trách nhiệm, là tình cảm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đối với Bác Hồ kính yêu mà còn thể hiện sự trung thành, kiên định với con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Đây cũng là niềm vinh dự, tự hào, trách nhiệm cao cả nhưng rất vẻ vang được Đảng, Nhà nước, nhân dân tin tưởng giao cho Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cũng theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương thì: Thành công thứ nhất và xuyên suốt 40 năm qua của Ban Quản lý Lăng là, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đơn vị cũng giữ gìn thi hài Bác ở trạng thái tốt nhất. Phát huy ý thức độc lập tự chủ, tự lực tự cường, không ngừng học tập, nghiên cứu từng bước vươn lên làm chủ khoa học công nghệ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt; hai là, làm tốt công tác kỹ thuật và quản lý kiến trúc Công trình; ba là, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm an ninh, nghi lễ, sẵn sàng chiến đấu, phối hợp chặt chẽ hiệu quả giữa các lực lượng trong Ban Quản lý Lăng; với các cơ quan, đơn vị đóng quân trên địa bàn và các đơn vị trong Quân đội, Công an bảo đảm an toàn lễ viếng Bác, công trình Lăng và các sinh hoạt chính trị, văn hóa diễn ra trong khu vực; bốn là, tổ chức đón tiếp, tuyên truyền sâu rộng thiết thực; năm là, thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc vườn hoa, cây cảnh và sáu là, làm tốt nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ và môi trường.
Đối với công tác tổ chức đón tiếp tuyên truyền. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Lãnh đạo Ban Quản lý Lăng quan tâm, chăm lo chu đáo. Thực hiện tốt phương châm: "Tận tình, chu đáo, văn minh, lịch sự", trong những năm gần đây, lượng khách đến viếng Bác ngày càng đông, năm sau cao hơn năm trước và có ngày lên tới hơn 3 vạn người; trung bình mỗi năm hơn 2 triệu lượt người, trong đó lượng khách quốc tế tăng mạnh; các hình thức sinh hoạt chính trị, văn hóa trước Lăng ngày càng phong phú. Kể từ ngày mở cửa Lăng đến nay, đã đón tiếp hơn 52 triệu lượt người đến viếng Bác, trong đó có 8,5 triệu lượt khách nước ngoài. Phục vụ hơn 2,6 nghìn buổi sinh hoạt chính trị; tặng Huy hiệu Bác Hồ cho hơn 83 nghìn đại biểu. Từ năm 2003 đến nay, phối hợp với các địa phương và các cơ quan, ban, ngành của TƯ đón tiếp hơn 47.500 Mẹ VNAH, gia đình có công với cách mạng, gia đình chính sách của các tỉnh phía Nam, vùng sâu, vùng xa về Lăng viếng Bác. Tại Khu Di tích K9, đón tiếp hơn 1,5 triệu lượt người đến dâng hương tưởng niệm Bác và tham quan Khu Di tích. Đây vừa là một thành tích có ý nghĩa quan trọng góp phần vào công tác giáo dục tuyên truyền, thực hiện tốt việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ chí Minh...
Tôi nhớ lại lần gặp một người con miền Nam, nhà thơ Viễn Phương tác giả bài thơ “Vào lăng viếng Bác”. Ông kể: Năm 1976 lần đầu tiên ông được ra miền Bắc, cũng như những người con quê hương Nam Bộ khác, ra Bắc, ra Hà Nội vào Lăng viếng Bác là nguyện vọng thiêng liêng. Ông nhớ lại, sáng ấy mưa phùn, Hà Nội lây phây trong gió rét, ông lẫn vào trong đoàn người xếp hàng nối nhau lặng lẽ vào Lăng. Những hàng tre xanh thẫm, những vườn đào cuối xuân còn khoe sắc thắm, tiếng chim hót đâu đây… Ai cũng muốn được dừng thật lâu bên Bác. Bác nằm đó thanh thản hiền từ, giản dị như đang ngủ sau một ngày lo toan việc dân việc nước bộn bề!... Ông đã không cầm được nước mắt. Ra khỏi Lăng, trong ông bỗng loé lên tứ thơ: “Con ở miền Nam ra thăm Lăng Bác” và hình ảnh một mặt trời đỏ ngày ngày đi qua trên Lăng cứ đeo đuổi ông hoài để rồi một hôm nào đó bài thơ ra đời với những câu đầy thành kính: Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác/ Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát/ Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam/ Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng/ Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng/ Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ… và những câu đầy nhớ thương: Vẫn biết trời xanh là mãi mãi/ Mà sao nghe nhói ở trong tim! Mai về miền Nam thương trào nước mắt/ Muốn làm con chim hót quang lăng Bác/ Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây/ Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này. Nhà thơ đã nói giùm nỗi lòng của triệu triệu những người con xa được về Thủ đô, được vào Lăng viếng Bác…
Tôi cũng được các đồng chí ở cơ quan Tuyên huấn Bộ Tư lệnh Lăng cho xem cuốn sổ vàng ghi cảm tưởng của đồng bào đồng chí và bè bạn gần xa khi về Lăng viếng Bác. Thật là cảm động nhưng cũng rất tự hào về Bác của chúng ta!
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm-nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh bộ đội bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh có lần kể: Có cô giáo dạy học ở vùng cao chỉ ao ước được đưa chồng con về Hà Nội viếng Bác một lần. Bạn tôi, nhà văn Hoàng Đình Quang từ TP. Hồ Chí Minh ra dự Đại hội nhà văn sáng, sớm tinh mơ đã kéo bằng được tôi dẫn đến Quảng trường Ba Đình xem bộ đội đổi gác, chào cờ; đưa cả điện thoại ghi bài hát gửi vào cho vợ nghe… trực tiếp. Còn cô bạn tôi hiện định cư ở nước ngoài, trong một lần về nước được đến Quảng trường Lăng Bác, thấy lá Quốc kỳ được những chiến sĩ QĐND kéo lên đã không cầm nổi được nước mắt… và chị bảo: “Đó là Tổ quốc! ”.
Trong những năm qua, các đơn vị trong Ban Quản lý Lăng đã thường xuyên chăm lo xây dựng các tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, nhiều năm liền là Đảng bộ tiêu biểu xuất sắc; chăm lo xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, gương mẫu đi đầu trong việc xây dựng đơn vị chính quy, mẫu mực, nghiêm cách. Xây dựng Ban Quản lý Lăng ngày càng hoàn thiện về cơ cấu tổ chức, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp hiệp đồng, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong Ban; bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Quân ủy TƯ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và tranh thủ sự giúp đỡ của các Bộ, ban, ngành, địa phương và nhân dân cả nước trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Do đó, qua mọi khó khăn thử thách, nhất là ở giai đoạn bước ngoặt có những tác động sâu sắc, mạnh mẽ tới thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, nhưng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức và người lao động trong Ban Quản lý Lăng luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân. Trung thành, gắn bó tận tụy với nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, Công trình Lăng của Người. Những công việc đó vừa là nhiệm vụ vừa là vinh dự của những người lính đúng như câu thơ trong bài thơ “Chúng con canh giấc ngủ cho Người” của nhà thơ Nguyễn Đăng Nước: Vinh quang con đứng bên Người/ canh cho Bác ngủ ngon giấc/ Trên môi như Bác vẫn cười/ Bác vui vì khắp non sông cháu con trở về sum vầy... Nghiêm trang con đứng bên Người/ hoa thơm ngát trời Thủ đô/ Chúng con nguyện hứa với Người/ Sắt son vì Tổ quốc hy sinh, bảo vệ nước non ngàn đời sáng tươi!
Thập Tam, trại mùa Thu, tháng 8-2016
Ngô Vĩnh Bình