Chào mừng Đại hội Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam lần thứ II (nhiệm kỳ 2018 – 2023): “Trang trại cút Nguyễn Hồ”
Khu vực chuồng trại nuôi chim cút được phun thuốc khử trùng định kỳ khử mùi hôi và vi khuẩn.
Bà Châu là bộ đội hậu cần của Tỉnh đội Mỹ Tho ( nay là Tiền Giang), đã xuất ngũ, sau đó về công tác tại Xí nghiệp Dược Tiền Giang. Năm 1998, sau khi nghỉ việc, bà Châu cùng với chồng là Trần Nguyễn Hồ bàn bạc đầu tư phát triển sản xuất để mong cải thiện cuộc sống gia đình. Có được thành công như hôm nay, ông, bà đã không ít lần thất bại với các mô hình chăn nuôi, như nuôi heo, cá, rồi đầu tư mở cửa hàng bán vật tư nông nghiệp...
Khoảng cuối năm 1998, tình cờ qua sách báo, bạn bè, bà thấy mô hình nuôi chim cút lấy trứng ở Nhật rất hiệu quả. Nghĩ đây là mô hình mới, giàu tiềm năng đối với Việt Nam, bà bàn với chồng quyết định đem số tiền dành dụm mua 2.000 chim cút giống về nuôi thử nghiệm. Thật bất ngờ, đàn chim cút phát triển tốt, cho trứng ổn định. Tuy nhiên, đến năm 2002 khi dịch cúm gia cầm bùng phát, đàn chim cút của bà phải bị tiêu hủy toàn bộ...
Soi trứng thành phẩm trước khi xuất sang Nhật Bản
Đã có lúc bà muốn tìm nghề khác để kinh doanh. Nhưng rồi bà tự nhủ: “ Phải quyết tâm làm lại...". Năm 2004, bà đề xuất với chồng gom hết số vốn mình có, vay mượn thêm để đầu tư xây dựng lại chuồng trại, mua chim cút giống, nuôi theo mô hình công nghiệp khép kín, để vừa kháng được bệnh lại cho trứng đạt chất lượng. Trại nuôi của bà được Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng thương hiệu Việt, thuộc Liên hiệp các Hội khoa học - kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cấp giấy chứng nhận thương hiệu Việt, giấy chứng nhận thực phẩm an toàn...
“Thức ăn cho chim cút là một yếu tố rất quan trọng, quyết định thành công hay thất bại của trại nuôi” - bà Kim Châu cho biết. Nguyên liệu sau khi mua về, bà cân đối lại các thành phần, bổ sung các vi lượng cần thiết. Đặc biệt là bổ sung thêm chế phẩm sinh học dùng cho gia cầm vì nó giúp chim hấp thu triệt để chất đạm có trong thức ăn, phòng chống bệnh tiêu chảy, nên chim đẻ khỏe, kéo dài thời gian cho trứng.
Từ nuôi chim cút mà cuộc sống gia đình CCB Lê Kim Châu đã giàu lên nhanh chóng. Nhiều năm liền vợ chồng bà Châu được công nhận danh hiệu “Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi”, "Cựu chiến binh sản xuất giỏi" cấp tỉnh.
Tuy công việc kinh doanh bận rộn, nhưng bà Châu rất quan tâm đến công tác từ thiện. Mỗi năm, gia đình bà hỗ trợ hàng chục triệu đồng cho địa phương xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, tặng quà cho học sinh nghèo; quan tâm giúp vốn, con giống cho 20 hộ là gia đình chính sách, và CCB nghèo khó có điều kiện chăn nuôi cải thiện đời sống gia đình.
Bà thật xứng đáng là doanh nghiệp CCB mẫu mực của Hội Doanh nghiệp CCB tỉnh Tiền Giang.
Hoàng Lâm