Chàng trai thôn Khuổi Dủm (10/05/2013)

Ở thôn Khuổi Dủm, xã Huyền Tụng, thị xã Bắc Kạn không ai không biết ông Cao Sinh Học, người có nhiều huân chương và thuộc nhiều lịch sử nhất vùng. Cứ mỗi dịp lễ tết, các trường trung học phổ thông trong vùng lại đua nhau đón người cựu chiến binh Cao Sinh Học tới kể chuyện truyền thống. Tháng rồi năm, rồi nhiều năm trôi qua, lũ trẻ con bé tí tẹo của làng lớn lên rồi như chim bay đi lớp này lớp khác ai cũng mang trong mình những mẩu chuyện của ông Học. Có đứa đã thành kỹ sư, bác sĩ, thành cán bộ trên tỉnh, trên huyện... vẫn nhớ như in những câu chuyện ly kỳ trong chiến tranh do ông kể.

Ông Cao Sinh Học là người đi xa, đi nhiều nhất ở Khuổi Dủm. Cuộc đời ông lắm khúc, lắm ghềnh, khó khăn, cơ cực, thương tật và tù đày khó bút nào kể hết. Cao Sinh Học, người con dân tộc Tày của Khuổi Dủm đã có những chiến công ở tận phương Nam, Trường xe tăng Thủ Đức, Đồng Nai của ngụy quyền năm 1966 khi thực hiện nhiệm vụ hết sức táo bạo của cấp trên giao là bắt cóc xe tăng địch để đánh địch. Tổ công tác đặc biệt do Đại úy Phạm Hiệp chỉ huy ngày ấy gồm 3 kíp xe với đầy đủ thành viên nhưng xe vẫn đang nằm ở Trường Sơn (?!). Ngày đó, chủ trương của Bộ tư lệnh Miền và Bộ tư lệnh Tăng Thiết giáp là bắt cóc xe tăng địch để đưa ra rừng học và chiến đấu. Bộ đội xe tăng đưa từ miền Bắc vào lập tức được học các kỹ, chiến thuật đặc công và bộ đội đặc công của Bộ tư lệnh Miền được học kỹ năng sử dụng xe tăng. Cũng do học chay, tưởng tượng là chính nên để đảm bảo chắc thắng, Bộ tư lệnh Tăng Thiết giáp đã cử những thành viên kíp xe giỏi nhất vào đội công tác đặc biệt để đi bắt cóc xe tăng địch trên đất địch. Ngay trận đầu ra quân tháng 1 năm 1966, tổ công tác đặc biệt đã bắt sống 3 xe tăng địch, nổ máy vừa chiến đấu vừa nhằm hướng rừng Đồng Nai rút về căn cứ. Vô cùng tức tối, địch ở Trường tăng Thủ Đức nống ra quyết bắt sống 3 xe. Kiên quyết chiến đấu giữ xe để có xe học tập sau này, 3 xe chiến đấu rất dũng cảm. Cuối cùng, do không cân sức, lại không thạo địa hình, vũ khí đạn dược trên xe đã hết, các anh đã phá hủy xe bảo toàn lực lượng. Chiến công ấy gây kinh hoàng cho địch ở Trường tăng Thủ Đức. Cố vấn Mỹ từ Sài Gòn xuống lồng lộn quát tháo và chỉ đạo bằng mọi cách phải bắt và tiêu diệt tổ công tác đặc biệt.

Ngay sau lần bắt cóc và phá hủy xe tăng, xe thiết giáp địch tại Trường xe tăng Thủ Đức, tổ công tác quyết định tập kích một mẻ lớn, quyết rinh bằng được xe tăng địch ra căn cứ. Đêm ấy là đêm 16-1-1966, tổ do Đại úy Phạm Hiệp (sau đó anh đã hi sinh tại chiến trường, ngay đêm ấy) chỉ huy gồm 3 kíp xe với hơn 10 đồng chí đột kích vào khu để xe. Khi ấy, các xe trực chiến của địch luôn có người trực 24/24. Trời tối. Đêm lạnh. Gió từ các cánh rừng, trảng cỏ, sình sạp đồng đất Đồng Nai thổi ù ù qua các hàng kẽm gai dày đặc. Thành thạo và khéo léo, các chiến sĩ vượt qua hàng loạt rào kẽm gai, mìn lá, mìn định hướng, mắt thần, ra-đa điện tử… giữ vững đội hình tiến về phía những chiếc xe tăng M113 đen sì, lạnh toát mùi sắt thép và chết chóc. Nhanh như chớp, tổ công tác ra tay. Những tên lính cậu quen bơ sữa mất cảnh giác đã bị những thế võ hiểm, những ngọn lê căm hờn làm gọn. Nhưng cũng lúc đó, tiếng súng từ nhiều phía rộ lên. Mất đi yếu tố bất ngờ, những chiến sĩ nhanh chóng chiếm vị trí chiến đấu quật ngã, tiêu diệt nhiều tên địch và phá hủy nhiều xe địch. Đã có chiến sĩ của ta ngã xuống, máu thấm vào xích sắt xe tăng. Tổ công tác vừa chiến đấu vừa rút dần ra ngoài. Đêm tối. Kẽm gai dày đặc. Bọn địch cũng không dám nổ súng bừa bãi. Chúng thận trọng lùng sục từng mét đất. Cao Sinh Học, người lính dày dạn, gan dạ nhất bị thương vào bụng, vẫy các đồng chí của mình lại gần, nhỏ nhẹ: Các đồng chí mau thoát ra ngoài. Tôi sẽ nằm vắt qua hàng rào, anh em dẫm qua là thoát. Tôi ở lại kìm chân địch. Mọi người sững lại trước câu nói bất ngờ ấy. Không. Sống cùng sống, chết cùng chết, anh Học, chúng tôi không để anh ở lại một mình đâu. Không nên thế. Hi sinh uổng, ích gì. Tôi đã bị thương rồi. Nào, đưa nốt mấy quả lựu đạn cho tôi. Đem súng đi. Không thể để nó rơi vào tay địch. Đi đi các đồng chí. Vừa nói, Cao Sinh Học vừa bò vắt mình lên hàng kẽm gai dày đặc. Khổ người to lớn vạm vỡ của anh trùm lên đống sắt thép bùng nhùng. Mắt anh rực lên ra lệnh, các chiến sĩ còn lại là Thiện, Long, Tình, Chuyên… hôm ấy đã dẫm lên tấm lá chắn làm bằng thịt da đồng đội, vọt ra ngoài. Không một ai quên được giây phút xúc động ấy.

Ngay khi bắt được anh, bọn chúng lập tức thẩm vấn và tra tấn dã man, tàn bạo. Nghĩ mình trước sau cũng chết, anh chỉ ậm ừ qua chuyện, nhận là du kích đi theo phục vụ nên lạc không ra được và giấu nhẹm chuyện mình là kíp trưởng xe tăng. Ngày ấy, sau sự xuất hiện của xe tăng ở làng Vây, Tà Mây, bọn địch rất sợ ta có chủ trương đưa xe tăng vào chiến trường phía Nam nhưng chúng không thể ngờ ta lại táo bạo đưa người vào lấy xe địch đánh địch. Sau hàng tháng trời ở nhà lao thẩm vấn hỗn hợp Việt-Mỹ không khai thác được gì, chúng chuyển anh qua trại giam Bạch Đằng, tiếp đó là trại giam Trần Hiệp, Biên Hòa và đến ngày 6-11-1967 bọn chúng đưa anh đi giam tại trại giam Phú Quốc. Hơn bảy năm qua các trại giam của địch, Cao Sinh Học luôn giữ vững phẩm chất của người chiến sĩ. Lúc này, anh không hề biết mình đã là đảng viên vì sau trận đánh mọi người đinh ninh là anh đã chết nên tổ chức truy điệu đồng thời truy tặng Huân chương Chiến công và kết nạp Đảng cho anh vì đã có dự kiến từ trước. Giấy kết nạp Đảng của anh đề ngày 17-1-1966, tức là ngay một ngày sau trận đánh kinh hoàng đó, tại chiến trường. Những đồng đội còn lại sau trận đánh đều ghi ơn và hết sức xúc động trước tinh thần dũng cảm của anh. Có người sau đó đã hi sinh. Có người sau đó trở thành Anh hùng LLVTND như đồng chí Nguyễn Xuân Tình, nay là đại tá, đã nghỉ hưu tại địa bàn Quân khu 9.

Không thể tưởng tượng được mình phải nằm trong các trại giam của địch hơn bảy năm trời. Cứ phải là được chiến đấu, cùng lắm là hi sinh chứ không nghĩ lại nằm khoèo ở các trại giam tít tận đảo Phú Quốc. Cao Sinh Học càng không nghĩ tổ chức đã báo tử về địa phương. Khi ấy, ông cụ thân sinh ra anh đang ốm, sắp mất, tổ chức lại phải giấu. Thế là mấy năm sau, khi bố anh mất cũng là lúc chính quyền xã quyết định báo tử anh. Người mẹ sau hai cái tang chồng, tang con đang héo hắt thì Cao Sinh Học đột ngột trở về. Anh trở về sau Hiệp định Pa-ri. Niềm vui quá lớn có khi cũng đủ sức giết chết người. Người mẹ như không tin vào sự thật đang hiện ra trước mắt, con sống trở về mà hốt hoảng ốm lên ốm xuống hàng tháng trời. Cả thôn Khuổi Dủm kéo đến mừng gia đình họ Cao, sờ nắn chàng trai Cao Sinh Học...

PVK