Chân - Thiện - Mỹ ở đâu?
Thưa cùng bạn đọc và tác giả Hữu Phương, đã từng nhiều năm được giao chịu trách nhiệm về nội dung các ấn phẩm của một nhà xuất bản có uy tín trong nước; không ít lần bị "soi" bởi những chuyện chẳng đâu vào đâu, nên tôi không ưa gì việc "chẻ sợi tóc làm bốn", hay "bới bèo ra bọ"; nhưng nếu không nói một điều gì đó về "Diệu Ly" thì thực lòng tôi dối mình.
"Diệu Ly" kể câu chuyện của hai thanh niên ở vùng do chính quyền Sài Gòn kiểm soát trước tháng 5-1975 là Huy và Hòa. Huy có cha bỏ kháng chiến, "dinh tê" về thành phố. Hòa có cha là trung tá cảnh sát ngụy. Nhưng với tinh thần "muốn lập công chuộc tội, lấy xương máu mình bù đắp phần sai lạc của người cha - H.P", nên Huy và Hòa đã bỏ T.P Huế đang sống với gia đình, vào Sài Gòn học, để liên lạc với đằng mình. Rồi nguyện vọng của Huy và Hòa đều đạt được. Huy vào bộ đội trước ngày miền Nam giải phóng mấy tháng, anh tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, bị thương; sau đó tiếp tục làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia. Hòa nhập ngũ sau ngày miền Nam giải phóng, cùng sang Campuchia và được biên chế vào trung đội của Huy. Trong một trận chiến đấu, Hòa bị thương nặng, biết mình sẽ hy sinh, Hòa dặn Huy trở về tìm và chuyển kỷ vật của Hòa cho người yêu là Diệu Ly; nhưng Diệu Ly (con một sĩ quan ngụy đi cải tạo) đã bị đẩy xuống tận đáy xã hội và treo cổ tự tử.
Mô típ truyện không mới. Văn chương cũng bình thường. Nhưng đằng sau hành động "muốn lập công chuộc tội" mà tác giả gắn cho Huy và Hòa, tôi không tìm thấy đâu cái chân - thiện - mỹ của tác phẩm, thậm chí còn phản ánh một thực tiễn lịch sử méo mó...
Dấu ấn đầu tiên của "Diệu Ly" với tôi, là một vài lởm khởm về cấu trúc tình tiết. Đầu truyện, tác giả viết: "Để vượt qua khỏi tầm kiểm soát của gia đình", Huy và Hòa bỏ gia đình ở Huế để vào Sài Gòn học, nhưng đoạn sau thì Trương Thuấn - bố Hòa lại có dinh thự ở Sài Gòn. Rồi chính những năm tháng Hòa là sinh viên, thuộc cấp của Trương Thuấn là đại úy cảnh sát Riệc, đưa con gái Diệu Ly đến chơi nhà Trương Thuấn; để Hòa và Ly đã tình ý với nhau khi Ly chừng 14 - 15 tuổi (khoảng 16 tuổi mà đã yêu nhau từ lâu - như lời tác giả).
Kiến thức quân sự của tác giả cũng có phần lỗ mỗ, ví như: Huy mới nhập ngũ 6 tháng mà dẫn một cánh quân đánh chiếm phi trường (Tân Sơn Nhất - D.T); với tôi, có chăng là chuyện trẻ trâu đánh trận giả? Chưa hết, sau khi nhập ngũ, sang Campuchia, Hòa được biên chế thuộc trung đội bộ binh của Huy. Nhưng là bác sĩ nên Hòa phụ trách cứu thương của đại đội - xin thưa, Quân đội ta không có kiểu biên chế như vậy (đoạn sau lại viết là phụ trách Đội điều trị của đại đội - nhưng trung đoàn mới có Đội điều trị!).
Bỏ qua những vụn vặt kể trên, điều tôi cảm thấy hụt hẫng, phản cảm, là tác giả dựng lên chân dung anh lính Giải phóng cùng với "tình cảnh" một đơn vị Quân đội và một Sài Gòn sau tháng 4-1975 rất méo mó. Hãy xem tác giả tả cảnh đất nước chỉ mấy tháng có hòa bình, nhưng vì cả Nam lẫn Bắc bị cắt hết viện trợ, nên lâm vào cảnh "đói nặng nề". Cũng vì thiếu lương thực, bếp ăn bệnh xá trung đoàn đã giải thể, nên mặc dù đang điều trị vết thương mà Huy phải nhận khẩu phần mỗi tháng 12 cân bo bo và tự lo lấy bữa ăn. Để rồi "Trưa, cơn đói dày vò, anh sục tay vào mớ hạt bo bo lạo sạo, đưa mắt lên nhìn, cảm giác như chó nhìn thóc". Rồi cả tháng trời sau đó, thương binh Huy đem 12 cân bo bo đi đổi được mấy cân bột mì để nấu cháo loãng, ăn cho qua ngày. Điều bi đát hơn là mấy cân bột mỳ đó, Huy phải chia sẻ để cứu đói cho Diệu Ly, trong chính ngôi nhà của cha con cô được đơn vị Quân giải phóng trưng dụng làm bệnh xá, điều trị cho Huy. Đói khát thê lương đến mức, có hôm cô gái đáng thương kia phải lần ra nghĩa địa tranh cướp với đám "ma đói" mấy quả chuối xanh để hai người ăn, sống qua ngày...
Theo tôi, trong vòng 6 tháng kể từ khi Huy bị thương trong chiến dịch Hồ Chí Minh, đất nước mình đâu có thảm cảnh như trong truyện. Thứ đến, hỏi có đơn vị Quân đội nào (của bên thắng trận) lại vô trách nhiệm, đối xử tàn tệ với thương binh như đơn vị của Huy? Chỉ những người không biết, hoặc cố tình bóp méo, xuyên tạc sự thật mới viết như thế! Liệu mai đây, khi các nhân chứng lịch sử không còn, ai là người thanh minh cho thế hệ sau, khi họ đọc "Diệu Ly", rồi nghĩ về "bên thắng trận" như vậy?
Dưới ngòi bút của Hữu Phương, anh lính Giải phóng hiện lên với những biểu hiện không bình thường. Từ một thanh niên trí thức, được tác giả khoác cho một bộ cánh dám gạt bỏ những hạn chế thành phần, "để lập công chuộc tội"; nhưng hãy xem chân dung chiến sĩ Giải phóng là Huy: "...thẹn thò, vì mới vào lính đã bị thương", nên không dám gửi thư cho cha mẹ. Trước một thân phận éo le như Diệu Ly, một người lính bình thường không ai lại vô trách nhiệm, cam chịu để rồi chỉ biết chia chút bột mỳ cho cô bé khỏi chết đói. Và thật đáng thương, hài hước làm sao khi dưới con mắt của Hữu Phương, "máu trượng phu" của một anh lính Giải phóng chỉ là hành động bẻ chiếc lạch giường làm củi để nấu bột. "... Đến lúc đó, cả hai mới chưng hửng, không còn một que củi nào. Đôi mắt của Diệu Ly từ huy (hy) vọng tràn trề, chuyển sang thất vọng tăm tối. Nhưng chính điều đó, đã làm máu trượng phu trong Huy nổi lên. Anh lật chiếu, bẻ các nan giường thành những đoạn ngắn. Bếp lửa được nhóm lên...".
Trước bi cảnh của cô gái, khi đó xung quanh còn chính quyền, các tổ chức đoàn thể, đơn vị..., thế mà người chiến sĩ Giải phóng, sau khi lành vết thương, rời khỏi căn nhà, chỉ biết ném qua cửa sổ cho cô ta mấy đồng tiền lẻ...!
Những ai đã một thời làm nhiệm vụ quân quản thành phố Sài Gòn sau ngày giải phóng, đều tự hào với lời khen của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Vào thành vững như thành". Khi đó, các chiến sĩ ta cùng với Đoàn thanh niên..., tìm đến những tụ điểm trẻ lang thang, bụi đời; giúp các em áo quần, sách vở, hát hò, thể thao...; đưa các em trở về với cộng đồng trong tình thương yêu đồng loại... Hình ảnh các chú, các anh Giải phóng ngày ấy đâu phải như Huy của Hữu Phương?
Điều đáng sợ hơn, là dưới ngòi bút của Hữu Phương, cái ác đã được đẩy lên đỉnh điểm. Bao trùm tất cả là "bên thắng trận" đã đẩy gia đình Diệu Ly đến bi kịch: Cha bị đưa đi cải tạo, mẹ mất khi di tản, con gái "cành vàng lá ngọc" bị hất ra khỏi cộng đồng, rơi xuống đáy xã hội. Cái ác là sự vô trách nhiệm của chiến sĩ Giải phóng trước thân phận Diệu Ly; tương tự là một bác xích lô (nhà đối diện với nhà Diệu Ly), lực thì không mà tâm cũng chẳng có, biết người ta "làm bậy" với cô bé mà ngoảnh mặt làm ngơ. Và cái ác tận cùng đối với Diệu Ly là thằng bé bán bánh mỳ.
Thưa quý độc giả, thông thường khi đã đẩy nhân vật đến tận cùng của bi kịch, tôi hy vọng tính thiện của người viết cho thằng bé (cũng trạc 16 tuổi - H.P) bán bánh mỳ thuê xuất hiện sẽ "cởi nút", hóa giải bi kịch này - như thể hai mảnh đời bất hạnh bấu víu, nương tựa vào nhau để đứng dậy... Nhưng tôi hoàn toàn thất vọng! Ở đây, tác giả đã đẩy cái ác đến tột cùng. Thằng bé bán bánh mỳ lại ma cô hơn mọi kẻ ma cô trên đời. Cách vài ngày, nó chấp nhận những trận đòn nhừ tử của ông chủ, vì thiếu một chiếc bánh mì, không phải vì thương tình mà cho cô gái. Trái lại, hắn đã chấp nhận đòn roi, để đổi bánh lấy những cuộc làm tình nhơ nhớp trên tấm thân bé gái đói khát, tội tình. Còn cô gái thì “Cơ hàn bất cố liêm sỉ”, chấp nhận để gã trai dày vò thể xác, chỉ để có miếng bánh. Để rồi kết cục là Diệu Ly treo cổ tự tử khi biết mình có thai.
Tính thẩm mỹ của truyện cũng có nhiều điều đáng nói, nhưng vì khuôn khổ bài báo, tôi không bàn sâu.
Tôi ý thức câu chuyện được dựng lên để minh chứng cho một mớ rậm rịt những luận thuyết về cái mà Hữu Phương gọi là "gạch nối giữa chiến tranh và hòa bình", mà theo tác giả: "Mọi cái đã không hoàn toàn như mơ ước của bên thắng trận... mơ ước cuộc sống mới, của một đất nước thống nhất, sau mấy chục năm xương rơi máu đổ". Tôi cũng hiểu văn chương không phải là bản sao hiện thực, nhưng với việc dựng lên hình tượng méo mó của một anh lính Giải phóng; sự vô trách nhiệm đối với thương binh - điều không thể có của một đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam và một Sài Gòn lúc đó không một chút tính thiện...; thử hỏi tính chân - thiện - mỹ của "Diệu Ly" ở đâu?
Tôi cũng tự hỏi, tờ báo đã xuất bản khá lâu; chắc chắn nhiều người trong và ngoài Quân đội có đọc bài báo này, nhưng tịnh không thấy ai động lòng - Vì sao?
Duy Tường