Chắc tay súng, bảo vệ biển, đảo quê hương (28/06/2012)
Bởi lẽ, có tiềm năng kinh tế rất đa dạng, phong phú và giàu có. Đặc biệt, vai trò, vị trí biển, đảo của Việt Nam, có ý nghĩa chiến lược trong khu vực và trên thế giới. Vì thế, trong quá trình phát triển lịch sử dân tộc, có không ít kẻ thù luôn luôn rình rập, nhòm ngó.
Để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, Đảng, Nhà nước, quân đội đã và đang ưu tiên đầu tư mạnh mẽ, khẩn trương cho các mục tiêu chiến lược kinh tế biển và phòng thủ đất nước từ hướng biển; tập trung có trọng điểm, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên từng khu vực biển. Mặt khác, ưu tiên tập trung xây dựng Quân chủng Hải quân và Quân chủng Không quân nhân dân Việt Nam, có đủ sức mạnh về tinh thần quyết chiến quyết thắng và vũ khí trang bị hiện đại, sẵn sàng chiến đấu cao, chống lại bất kỳ kẻ thù xâm lược nào.
Đối với bộ đội quần đảo Trường Sa, mục tiêu huấn luyện chiến đấu là phải bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Vì vậy, thao trường huấn luyện phải sát với chiến trường; sát với nhiệm vụ, đối tượng tác chiến; phù hợp với vũ khí trang bị kỹ thuật và truyền thống thủy chiến của dân tộc.
Với tinh thần đó, các cấp uỷ ở đảo nổi, đảo chìm và Nhà giàn DK1 đã thường xuyên quán triệt sâu sắc tình hình nhiệm vụ cho mọi cán bộ, chiến sĩ; xây dựng bản lĩnh chính trị, niềm tin cho mọi đối tượng để đồng đội không ngại gian khổ, hi sinh, sẵn sàng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Với phương châm huấn luyện “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, các đơn vị coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu; huấn luyện hiệp đồng tác chiến quân binh chủng, nhất là huấn luyện cách đánh độc đáo, sáng tạo của hải quân ta trong lịch sử, “lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh”. Mỗi mùa huấn luyện, bộ đội quần đảo chuẩn bị đầy đủ cơ sở, vật chất, mô hình học cụ, giáo án; tập trung huấn luyện sở chỉ huy và các cụm chiến đấu. Trước đây, chất lượng huấn luyện thường chỉ gắn với cấp uỷ, người chỉ huy thì nay là trách nhiệm chung của mọi cá nhân. Cán bộ, chiến sĩ Trường Sa đều khẳng định: Yếu tố bí mật, bất ngờ, khả năng quan sát, phát hiện nhanh, chính xác mục tiêu để tiêu diệt đối phương ngay từ loạt đạn đầu, sẽ tạo điều kiện giành thắng lợi. Hơn nữa, trong huấn luyện chiến đấu, phải thường xuyên đổi mới cả về nội dung, phương pháp, theo hướng giảm lý thuyết, tăng thực hành.
Tinh thần ấy được thể hiện trên quần đảo. Mặc cho những ngày nắng cháy da, cháy thịt; mặc cho giữa đêm tối, sóng to, gió lớn bão bùng, bộ đội Trường Sa vẫn kiên trì, bền bỉ thực hiện các nội dung huấn luyện chiến đấu, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Đảo Phan Vinh, mang tên người Anh hùng Phan Vinh, người đưa tàu 235 vào Hòn Hèo (Khánh Hòa) chiến đấu chống giặc và hi sinh oanh liệt. Đây là một trong những hòn đảo bão tố nhất quần đảo Trường Sa, luôn luôn vững vàng nơi đầu sóng. Thiếu tá, đảo trưởng Hoàng Văn Phước cho biết: “Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt và phức tạp, các nội dung chương trình huấn luyện đều được duy trì nghiêm túc. Để có những động tác thuần thục, sức khoẻ dẻo dai và kiên trì về ý chí, cán bộ chỉ huy phải gương mẫu, bộ đội quyết tâm, có ý thức tự giác cao”. Một chiến sĩ ở phân đội hoả lực tâm sự: “Nhờ có những buổi huấn luyện đêm, huấn luyện trong điều kiện thời tiết xấu, sóng gió bất thường, mà sự nhanh nhạy, xử lý tình huống của các chiến sĩ tốt hơn rất nhiều…”. Thường vậy, ngày cũng như đêm, bất kỳ trong hoàn cảnh thời tiết như thế nào, chỉ sau một hồi kẻng vang lên từ chòi gác trên đảo, cán bộ, chiến sĩ khẩn trương có mặt ngay ở các vị trí phòng thủ, với đầy đủ vũ khí trang bị theo quy định.
Tại đảo đá Cô Lin, đảo chìm, được coi là hòn đảo tiền tiêu, cách bãi đá Gạc Ma (Trung Quốc chiếm giữ) khoảng 1,9 hải lý; về phía tây bắc; cách đảo đá Len Đao khoảng 6,8 hải lý về phía tây – tây nam. Đảo đá Cô Lin ở vĩ độ thấp, gần đường xích đạo, nên hằng năm, có tới gần 300 ngày nắng nóng. Hơn nữa, đảo nằm giữa biển khơi, chịu sự chi phối của 3 loại gió mùa đông bắc, đông nam và tây bắc, thường xuyên có hơi nước muối thổi vào, gây hư hại cho các trang thiết bị vũ khí, khí tài…
Trước những khó khăn về địa hình, thời tiết khí hậu, cán bộ, chiến sĩ đảo đá Cô Lin xác định: Để không bị bất ngờ trước mọi vụ việc xảy ra, phải vừa chăm học, vừa chăm rèn, vừa tỉnh táo nắm vững đối sách, xử lý linh hoạt, khôn khéo, kiên quyết với các tình huống phức tạp. Qua thực tế, từ vị trí người gác đến những thao tác xử lý phát hiện mục tiêu, khả năng phòng thủ, nhất là trong đêm tối đều thực hiện tốt.
Cũng như đảo đá Cô Lin, các đảo ở tuyến giữa như: Núi Le, Tiên Nữ, Đá Lớn, Tốc Tan, Len Đao… đều bảo đảm tốt khả năng sẵn sàng chiến đấu và xử lý những tình huống phức tạp. Tại đảo Núi Le, các đại biểu vào thăm và gặp gỡ các cán bộ, chiến sĩ đang huấn luyện sẵn sàng chiến đấu bên những vị trí phòng thủ. Trời nắng như đổ lửa xuống đảo. Ai nấy mồ hôi nhễ nhại trên gò má đen sạm. Một đại biểu cảm thông hỏi các chiến sĩ: “Thời tiết khắc nghiệt thế này, chắc các anh vất vả và mệt lắm?”.
Khẩu đội trưởng pháo 12,7 ly Vũ Hoàn Duy và hai xạ thủ Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Văn Vân niềm nở tiếp khách. Duy vui vẻ nói: “Chúng tôi luôn luôn rèn luyện trong mọi điều kiện thời tiết khác nhau. Do vậy, trời nắng thế này cũng chưa thấm gì đâu ạ! Lúc giông bão, nhiệm vụ còn khó khăn hơn nhiều…”.
Nói rồi, khẩu đội trưởng ra lệnh thao diễn những động tác cơ bản. Các số vào vị trí, lấy tầm, quay hướng sục sạo chuẩn xác… Thượng uý Phùng Quyết Thắng, đảo trưởng đảo Núi Le cho biết: “Để bảo đảm chuyên sâu và sát thực tế trong huấn luyện, đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ phải đầu tư cả về trí và lực. Hằng ngày, chúng tôi quan tâm đến rèn động tác, rèn thể lực và rèn tâm lý cho chiến sĩ; tập tới đâu chắc tới đó, làm cho anh em hiểu đúng, hiểu sâu và hiểu bản chất của vấn đề để vận dụng vào thực tế”.
Giờ dây, 100% số cán bộ chiến sĩ trên đảo đủ điều kiện tham gia chiến đấu khi có tình huống xảy ra. Trong những năm qua và hiện nay, nội dung huấn luyện hiệp đồng binh chủng giữa hải quân đánh bộ, không quân, công binh, đặc công và huấn luyện ban đêm ở các đảo nổi: Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Nam Yết, Sinh Tồn được duy trì, thực hiện khá bài bản. Hơn nữa, nhờ quán triệt nghiêm túc chỉ lệnh huấn luyện của trên, nhất là trong tình hình biển đảo hiện nay, nên các lực lượng đều ý thức được sự sống còn để giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Mọi người đồng sức, đồng lòng, có trách nhiệm, nỗ lực hết mình, tham gia huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
Các đại biểu ra thăm biển đảo đều có ấn tượng tốt đẹp về những chiến sĩ Trường Sa can trường, vượt qua bao khó khăn, hiểm nguy, lạc quan yêu đời, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Vì tình yêu đảo, thủy chung gắn bó với Trường Sa nên đã có không ít cán bộ, chiến sĩ, mặc dù hết niên hạn phục vụ tại đảo, vẫn tình nguyện ở lại nhiều năm với Trường Sa. Chính nhờ anh em có “thâm niên” này, đã bổ sung nhận thức, kinh nghiệm cho lớp cán bộ, chiến sĩ mới ra đảo.
Bộ đội đều ý thức được rằng, hệ thống phòng thủ của quân dân trên đảo gồm nhiều tầng lớp, nhiều binh chủng hợp thành, ở mọi mức độ, với trang bị vũ khí và các cơ sở hậu cần ngày càng hiện đại. Biên chế và trình độ mọi mặt của cán bộ, chiến sĩ ngày càng được nâng lên, bảo đảm sức cơ động, sẵn sàng chiến đấu ở mức cao nhất.
Trong tình hình phức tạp hiện nay ở biển Đông, bộ đội Trường Sa không chỉ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu tốt mà còn thường xuyên tìm hiểu, nắm vững tình hình khu vực và quốc tế; đồng thời, quán triệt toàn diện những quyết sách, chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về vấn đề biển Đông. Trung uý Phạm Đức Sinh, chính trị viên đảo Tốc Tan C cho biết: Đảo luôn tổ chức cho bộ đội tuần tra canh gác chặt chẽ, quan sát phát hiện mục tiêu chính xác, báo cáo kịp thời với trên, không để bị động, bất ngờ. Trong năm 2011 và những tháng đầu năm 2012, đơn vị đã phát hiện 81 lần tàu cá, 15 lần tàu quân sự và thăm dò, 5 lần máy bay, tất cả đều của nước ngoài, hoạt động trong khu vực.
Cán bộ, chiến sĩ phụ trách xuồng CQ (xuồng chủ quyền) phát tín hiệu cảnh báo xua đuổi hoặc tiếp cận gọi loa, yêu cầu đối phương ra khỏi vùng biển kiểm soát của Việt Nam. Mặt khác, nếu cần, bộ đội trên đảo phối hợp với các đơn vị bạn, thực hiện việc xua đuổi; xử lý nghiêm các tàu nước ngoài cố tình vi phạm, theo đúng đối sách, không mắc mưu khiêu khích của lực lượng thù địch, gây chia rẽ, mất đoàn kết với các nước khác, bảo vệ từng tấc biển, tấc đảo của Tổ quốc.
Chính trị viên Phạm Đức Sinh nhấn mạnh: “Nếu ai được chứng kiến những giờ phút đấu tranh với đủ loại mưu ma chước quỷ xâm lấn, vi phạm trên biển, mới hiểu rõ sự phức tạp của địa bàn. Nhưng xin đất liền hãy yên tâm về trình độ nhận thức, kỹ năng và hành động xử sự đàng hoàng, có tình, có lý, hợp lẽ phải theo Luật biển quốc tế năm 1982 của anh em chúng tôi, những người lính Trường Sa. Từ lâu, quần đảo này đã trở thành biểu tượng cho tinh thần kiên cường, bất khuất của người Việt Nam. Quân và dân huyện đảo luôn là tấm gương về tinh thần đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, tin tưởng sâu sắc và quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội giao phó. Ý chí và tinh thần đó đang được các đảo thể hiện việc triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, nhằm tăng cường sức mạnh toàn diện, xây dựng và bảo vệ biển, đảo quê hương”.
Ghi chép Chi Phan