"Cha tôi” - tượng đài của tình phụ tử

"Lấy Nghĩa Nhân làm đạo lý ở đời
Ghét kẻ cúi luồn, chẳng màng danh lợi
Như tùng bách vươn cao vời vợi
Cứu giúp một người phúc đẳng hà sa".
Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đất nước trải qua những biến động dữ dội: Cách mạng Tháng Tám, kháng chiến chống thực dân Pháp, cải cách ruộng đất, kháng chiến chống đế quốc Mỹ... Vì vậy lật giở những trang cuốn "Cha tôi" cũng chính là lật giở “tám hai trang đời” đầy ắp sự kiện của cụ Nguyễn Đăng Cẩn.
Xâu chuỗi những câu chuyện, những chi tiết về người cha qua giọng kể đầy thán phục, ngưỡng mộ, sâu lắng của Nguyễn Đăng Giáp, người đọc thấy ở người giáo chức, cán bộ cấp huyện bình thường này toát lên một nhân cách cương trực, trí tuệ nhưng giàu lòng nhân ái. Chưa đầy 20 tuổi, nhưng là người có học, anh thanh niên Nguyễn Đăng Cẩn đã được lãnh đạo địa phương giao đảm trách Bí thư Đoàn xã kiêm Trưởng thôn. Chính trên cương vị đó, với nhãn quan chính trị sắc sảo, tinh thần trách nhiệm và lòng nhân ái của mình, trong cải cách ruộng đất, người Trưởng thôn này đã cứu được nhiều người thoát nạn. Trong bối cảnh "nhất Đội nhì trời" ngày đó, việc làm của ông không mấy người làm được, cũng vì vậy mà rất đáng khâm phục, nể trọng. Lòng nhân nghĩa của ông còn được minh chứng bằng việc cứu được một cán bộ có hai con là liệt sĩ thời kháng chiến chống Mỹ bị oan sai khỏi vòng lao lý... Những việc làm của ông không do học hành ở một trường lớp, sách vở nào, mà đều bắt nguồn từ sự rung động của trái tim nhân hậu, sự mách bảo của lòng nhân ái (lời của Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu).
Từ những lời khuyên dạy con đơn giản hằng ngày, như: "Của nả, tiền bạc thì ai chẳng quý, nhưng có khi của giết người đó con ơi!"; rồi: "Làm việc gì cũng phải kiên trì - Bền quai mới xách đến nơi"; đến những điều nâng lên thành triết lý nhân sinh, như: "Ở đời, muốn để người ta trân trọng, phải là người có Tâm - có Tầm - có Chí - có Trị...", mới thấy tầm ảnh hưởng của người cha đến Nguyễn Đăng Giáp và các em của anh lớn biết nhường nào!
Tính cách của người cha ảnh hưởng rõ nét nhất đối với Nguyễn Đăng Giáp (qua tự sự của anh) chính là nét ứng xử "trực ngôn bạch thoại", mặc dù vẫn biết "trung ngôn thì nghịch nhĩ". Điển hình là vụ "đáo động đình"-dù chỉ là một Trưởng phòng nông nghiệp huyện, cấp dưới trực tiếp của Trưởng ty Nông nghiệp, nhưng trong một hội nghị tổng kết công tác ngành, khi nghe Trưởng ty "nhiễm" bệnh thành tích, ông đã "bóc mẽ" ngay giữa hội nghị, để đến mức Trưởng ty cay cú: "Ông Cẩn Nghi Lộc ngang như vua, ngang hơn cua, lên tỉnh giám phát biểu lộn xộn"... Và còn nhiều câu chuyện nữa để người đọc dễ thấy Nguyễn Đăng Giáp ở chừng mực nào đó là sự “ảnh xạ” tính cách của ngươi cha. Để có lúc cụ Cẩn cũng phải thốt lên: "Cha đã nóng, con còn nóng hơn!"...
Chỉ là một nhà giáo, cán bộ cấp huyện, nhưng trí tuệ, sự mẫn cán, đặc biệt là cốt cách và lòng nhân ái của người cha đã trở thành Thần tượng; cộng với sự tảo tần, phúc hậu, đức hy sinh của người Mẹ là niềm tự hào và là nền tảng của lối sống tám người con. Hay nói đúng hơn, di sản lớn lao nhất mà cụ Cẩn và người vợ hiền để lại cho đời cùng với cốt cách, lòng nhân ái..., là tám người con trai; trong đó có một người con sớm hy sinh vì Tổ quốc là liệt sĩ và bảy người con thành đạt, mà tiêu biểu là Anh hùng Lao động - Tổng giám đốc Tổng công ty 36 Nguyễn Đăng Giáp.
Cùng với khắc họa chân dung một người cha mẫu mực về trí tuệ, cốt cách liêm trung, giàu lòng nhân ái, "Cha tôi" còn là một bức tượng đài về tình phụ tử; đó là tình thương yêu con cái của cha mẹ; nỗi lo toan, sẻ chia của mẹ cha đối với con cái ngay cả khi con đã trưởng thành. Đền đáp lại công lao trời biển của mẹ cha, Nguyễn Đăng Giáp cùng các em của mình và mọi thành viên trong gia đình đã luôn giữ gìn, phát huy truyền thống quý báu của dòng tộc và gia đình: Sống có cốt cách, đầy bản lĩnh, nhưng sau trước thủy chung, giàu lòng nhân ái. Đặc biệt, cháu con hết mực hiếu nghĩa với ông bà, cha mẹ; bình thường chăm lo cho cha mẹ bát cơm, tấm áo; khi cha tuổi già, bạo bệnh, thì dồn hết tâm lực, dồn hết những gì quý giá nhất để giành giật níu kéo cha khỏi tay tử thần suốt 17 tháng ròng ... và khi cha từ giã cõi đời, đã tổ chức tang lễ "có một không hai", lo hậu sự, lo hóa giải cả những vương vấn uẩn khúc ở đời để đấng sinh thành thanh thản ở cõi vĩnh hằng.
"Cha tôi" cũng khẳng định một chân lý cuộc sống: "Hết thảy rồi qua đi, tình người là mãi mãi"; bởi lẽ cụ Nguyễn Đăng Cẩn không phải là người có địa vị cao trong xã hội và các con của cụ cũng chỉ là những sĩ quan, doanh nhân bình thường, nhưng với cốt cách, lẽ sống thấm đẫm tình người của cụ và các con nên lúc sinh thời cũng như khi đã về với thế giới người hiền "Cha tôi" đã nhận được sự quan tâm thân tình của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhiều bộ, ban - ngành, bè bạn thân hữu gần xa. Đặc biệt với phần "Lãng du trong sâu nặng tình người" , "Cha tôi" đã đi vào thơ, vào nhạc một cách tự nhiên mà đầy hấp dẫn.
Cuốn tự truyện do Đại tá Nguyễn Duy Tường - người có duyên với nhiều tập hồi ký của các tướng lĩnh, chính khách thể hiện khá công phu. Người kể, người chấp bút có nhiều cảm nhận khá đồng điệu, sâu sắc, tạo nên mạch văn sâu lắng, mượt mà, xúc động, cuốn hút người đọc.
Hưng Nguyễn