Năm 1997, ông vay vốn ngân hàng, mua một thùng suốt lúa, rồi đến các tỉnh lân cận làm mướn. Dần dần cuộc sống dư dôi, gia đình ông mua 38 công ruộng, nuôi 5 con bò, đầu tư 2 máy cày để cày mướn và sản xuất lúa giống chất lượng cao. Từ năm 2011 đến 2015, tổng thu của gia đình trên 2,5 tỷ đồng, trừ chi phí còn gần 1,6 tỷ đồng. Hằng năm ông không những làm tốt nghĩa vụ công dân mà còn hỗ trợ 8.500kg gạo, 1.700 cuốn tập và 500 cây viết cho CCB, người nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. CCB Nguyễn Văn Ga được Bộ NNPTNT cấp chứng nhận danh hiệu "Bông lúa vàng Việt Nam", UBND tỉnh tặng 3 Bằng khen và nhiều phần thưởng khác của các cấp, các ngành.
Năm 2005, Chi hội CCB ấp Nam Thạnh đề xuất với UBND xã và được phép thành lập Tổ sáng lập viên vận động các hội viên CCB, bà con nông dân tham gia vào HTX. Khi mới thành lập HTX có 27 hộ, vốn điều lệ có 25 triệu đồng, Ban quản trị gồm có 3 người. Kinh nghiệm chưa có nên phương pháp quản lý còn lúng túng, nhận thức của xã viên chưa thống nhất, với phương châm “Xã viên giàu thì HTX mới mạnh” và xác định con đường phát triển của HTX và hộ xã viên là trên chính mảnh đất của họ, cần thiết phải chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng đa dạng hóa cây trồng vật nuôi, tạo thêm công ăn việc làm cho lao động. Vốn điều lệ tăng lên 85 triệu đồng. Từ năm 2006 đến 2008, HTX giao cho Trung tâm giống 840 tấn lúa giống cấp nguyên chủng. HTX làm 3 vụ lúa tương đương 43ha, trong đó có 23ha, sản xuất giống nguyên chủng giao được 11 tấn (đạt 106,5% định mức), sản xuất giống khác giao 74 tấn (đạt 98,5% định mức), làm lợi cho xã viên từ việc sản xuất lúa giống thay cho lúa hàng hóa hơn 1 tỷ đồng. Sản xuất mô hình cánh đồng mẫu lớn, theo hướng VIỆT GÁP, trên 114,07ha. 5 năm liền, HTX được Cục Trồng trọt công nhận là đơn vị tiêu chuẩn làm giống và 3 lần được cấp chứng nhận Địa chỉ xanh và 1 Địa chỉ vàng. Năm 2015, HTX Tiến Đạt chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã, với 79 hộ, vốn điều lệ tăng 239 triệu đồng, CCB Nguyễn Văn Ga làm Giám đốc.
Nguyễn Trung Tiến