CCB - TS. Hà Văn Hải: Người đầu tư xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ xã An Thượng
(Báo tháng 7) - CCB - TS. Hà Văn Hải (thứ nhất phải sang) khảo sát địa điểm xây dựng Nghĩa trang xã An Thượng, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.
Trọn nghĩa tri ân
Cho đến bây giờ, hẳn nhiều khán giả màn hình nhỏ vẫn còn nhớ hình ảnh CCB, Thương binh, Doanh nhân, TS. Hà Văn Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty bất động sản Hà Quang (dưới đây gọi tắt là Công ty) về những việc làm của ông đối với quê hương.
Trên thực tế, không phải chỉ đến khi ông Hà Văn Hải xuất hiện trên Đài Truyền hình Việt Nam trao số tiền 19,5 tỷ đồng trong Chương trình “Tri ân đồng đội” ngày 27-4-2019 (trong đó có 15 tỷ đồng xây dựng Nghĩa trang Liệt sĩ (NTLS) và Trạm Y tế xã An Thượng, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang), người ta mới biết đến tên và doanh nghiệp của ông. Bởi vì, nhiều năm trước đó thông qua các hoạt động tri ân đồng đội, giúp đỡ người nghèo, giúp đỡ đồng bào vùng bão lụt... nhiều người đã biết ông. Chỉ tính riêng trong năm 2017, Công ty đã tham gia hoạt động xã hội từ thiện với số tiền hơn 12 tỷ đồng.
Trong câu chuyện với tôi, dường như lúc nào ông Hà Văn Hải cũng dành nhiều tình cảm để nói về quê hương, về vùng đất nơi ông từng gắn bó từ thuở ấu thơ với niềm hứng khởi tự hào. Ông cho biết: Vùng đất Yên Thế quê ông từng được cả nước biết đến với cuộc dấy binh khởi nghĩa của nông dân Yên Thế do thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám lãnh đạo, với nhiều nghĩa binh là người dân An Thượng. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, xã An Thượng có hàng trăm thanh niên nhập ngũ, đến nay cả xã có 81 liệt sĩ, 25 thương binh và 21 bệnh binh.
Cắt nghĩa vì sao ông lại bỏ ra số tiền không nhỏ để xây dựng NTLS xã An Thượng, ông Hải bộc bạc: Trong số những người con của quê hương lên đường nhập ngũ, tôi có may mắn còn sống sót trở về với gia đình, trong khi nhiều đồng đội cùng nhập ngũ với tôi trong số 81 liệt sĩ xã An Thượng đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Tôi may mắn hơn 25 thương binh và bệnh binh khác là được Đảng và Nhà nước cử sang học tập ở Liên Xô (cũ) sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Giờ đây, khi đã có “bát ăn, bát để”, tôi và gia đình đầu tư xây dựng Nghĩa trang cho các Liệt sĩ thành một “Công viên Văn hóa tâm linh” khang trang hiện đại để tri ân đồng đội, góp phần xoa dịu nỗi đau của thân nhân liệt sĩ. Đồng thời làm địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống bảo vệ Tổ quốc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Tiếng chim hót trong bụi mận gai
Ông Hà Văn Hải cho biết: Đầu tư xây dựng quê hương là một việc rất nên làm của những người con xa xứ như ông. Vì vậy, vào dịp khai giảng năm học mới 2019 - 2020, thông qua Chương trình Nghệ thuật “Vầng trăng cổ tích” - Chuyên đề “Tết cho trẻ em nghèo”, Công ty sẽ tiếp tục tài trợ sữa học đường cho hơn 700 học sinh mẫu giáo, học sinh tiểu học với số tiền gần 2 tỷ đồng và trao 50 triệu đồng tiền học bổng cho học sinh nghèo vượt khó của xã An Thượng. Trước đó, Công ty còn đầu tư 800 triệu đồng xây dựng đường giao thông nông thôn cho thôn Tân Vân, xã An Thượng.
Sau gần 20 năm tích lũy kinh nghiệm, chọn hướng đi bằng tư duy nhạy bén phù hợp với nền kinh tế thị trường. Giờ đây, CCB Hà Văn Hải đang quản lý nhiều công ty kinh doanh đa ngành nghề, sản phẩm như bất động sản, nuôi cá tầm thương phẩm, sản xuất kinh doanh điện mặt trời góp phần làm giàu cho quê hương đất nước.
Nhớ lại những câu chuyện làm ăn, ông Hải muốn khẳng định rằng, con đường đến với thành công của ông ngày hôm nay không chỉ có nụ cười, mà đó là một quá trình phấn đấu đầy gian nan thử thách, là mồ hôi, nước mắt có cả thất bại và mất mát.
Tất cả sẽ qua đi, nhưng tình thương thì ở lại, đó là chân lý của những người biết nâng niu giá trị của cuộc sống. Chuyện về cuộc đời và quá trình lập nghiệp của ông cũng giống như câu chuyện cổ tích thời mở cửa. Cái thời mà trong tư duy nhận thức của rất nhiều người, người ta thường quan niệm muốn giải quyết việc gì cũng cần phải có tiền, “vấn đề đầu tiên” như chìa khóa vạn năng mở ra mọi cánh cửa quan hệ... thì ông Hải lại đem những đồng tiền tích lũy được từ mồ hôi, công sức và trí tuệ của mình đem phân phát cho người nghèo khó. “Tâm” rộng lớn thì tất cả mọi chuyện đều nhỏ hết, đó là lẽ sống của ông - một thương binh “tàn” nhưng không “phế” hết lòng vì cộng đồng.
Nguyễn Văn Á