Từ thị xã lên thành phố tỉnh lỵ tỉnh Hà Nam, TP Phủ Lý hiện đang vươn sức trai dài rộng trên mọi mặt kinh tế-xã hội với 21 xã, phường và trên 136 nghìn dân; Hội CCB thành phố cũng lớn lên với 7.250 hội viên. Thuận lợi nhiều, nhưng khó khăn cũng không ít, đặc biệt là khi đại đa số các gia đình hội viên CCB làm nông nghiệp nhưng đất nông nghiệp đã bị thu hồi gần hết dành cho phát triển đô thị và khu công nghiệp, các CCB hầu hết đã cao tuổi, vốn liếng làm kinh tế hầu như không có…
Bằng các biện pháp như tích cực tìm các nguồn vốn vay qua các kênh, động viên hội viên góp vốn lập quỹ, tập trung vốn cho các hộ hội viên có nhu cầu và điều kiện phát triển kinh tế, tổ chức tham quan học tập mô hình, mở các hội nghị sơ kết, rút kinh nghiệm… nay Hội CCB TP Phủ Lý đã có nguồn quỹ nội bộ là 3,25 tỷ đồng, trong đó có nhiều Hội cơ sở có bình quân quỹ/ đầu người cao như Hội CCB các phường Minh Khai, Trần Hưng Đạo, Lê Hồng Phong… từ đó giúp các hộ hội viên nghèo vay không lãi để phát triển kinh tế. Số dư vay qua Ngân hàng CSXH của các Hội cơ sở hiện là 24 tỷ đồng, giải quyết cho hơn 3.000 lao động là các CCB và con cháu CCB có việc làm, phát triển kinh tế gia đình.
Với bản chất truyền thống Bộ đội Cụ Hồ vươn lên làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình và xã hội, nhiều hội viên đã mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh với 60 mô hình ngành nghề, phù hợp với địa bàn, có 20 mô hình là công ty, doanh nghiệp giải quyết việc làm cho 464 lao động với doanh thu bình quân từ 50 triệu đến 3 tỷ đồng/năm; 54 mô hình trang trại chăn nuôi và trồng trọt giải quyết việc làm cho 176 lao động; 15 mô hình tổ sản xuất và hàng trăm mô hình làm dịch vụ có thu nhập ổn định cho người lao động. Từ điều kiện là thành phố trung tâm giao thương, nhiều mô hình làm kinh tế của CCB đã được phát triển như CCB, thương binh ¼ Hoàng Văn Tuyên lập Công ty may Hoàng Tuyên giải quyết việc làm cho 200 lao động, CCB Nguyễn Thị Toán lập Công ty bao bì, CCB Vũ Nguyên Hồng dạy nghề và kinh doanh điện lạnh, CCB Nguyễn Thị Nhân lập Công ty sản xuất bột nhẹ, CCB Hoàng Văn Hiếu kinh doanh vật tư nông nghiệp, CCB Phạm Văn Quý ở phường Lê Hồng Phong mở xưởng mộc… Từ sự cố gắng nỗ lực làm kinh tế cùng với các chính sách ưu đãi người có công đã đưa mức sống của hội viên CCB TP Phủ Lý ở diện khá và giàu tăng bình quân từ 3-5%, hiện số hộ CCB nghèo còn 84 hộ (chiếm 1,1% do hoàn cảnh bất khả kháng), số hộ có mức sống khá và giàu chiếm 72%. Trong số hàng trăm tấm gương CCB làm kinh tế tiêu biểu ấy, có 6 người đạt cấp T.Ư, 24 người đạt cấp tỉnh, 39 người đạt cấp thành phố và 131 người đạt cấp cơ sở.
Từ các kết quả phát triển kinh tế trong nội bộ Hội, các tổ chức Hội và hội viên thành phố Phủ Lý còn tích cực tham gia vào các chương trình kinh tế-xã hội của địa phương như xây dựng nông thôn mới, vệ sinh môi trường, phòng chống các loại tệ nạn xã hội có kết quả cao; quyên góp được 20,2 triệu đồng giúp thương binh Phạm Văn Tẩu ở phường Trần Hưng Đạo làm nhà tình nghĩa… và xây dựng tổ chức Hội ngày càng phát triển vững mạnh, xứng đáng là một trong những đơn vị điển hình tiên tiến của Hội CCB tỉnh Hà Nam.
Bài và ảnh:
Vân Trang