CCB T.P Đà Nẵng: Tham gia giữ gìn an ninh chủ quyền biển, đảo
Tổ TT ĐKSX phường Thọ Quang tham gia giữ gìn an ninh chủ quyền biển, đảo.
Thực hiện Chương trình phối hợp giữa Hội CCB với Bộ đội Biên phòng (BĐBP) T.P Đà Nẵng đã được ký kết, thành Hội Đà Nẵng triển khai Chương trình hành động tới Hội CCB các quận, phường ven biển về tham gia xây dựng địa bàn biên phòng vững mạnh; giữ gìn an ninh chủ quyền biển đảo đối với ngư dân trong các Tổ tàu thuyền đoàn kết sản xuất (TTĐKSX) trên biển. Tổ chức Hội và hội viên phối hợp với các đồn Biên phòng tuyên truyền nâng cao trách nhiệm cộng đồng vào thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” theo Chỉ thị 01/CT-TTg, năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Hội viên CCB, CQN lao động trên tàu chủ động làm trước, chấp hành nghiêm quy định và cùng với BĐBP tuyên truyền cho các tổ TTĐKSX trên biển thấy được sự cần thiết trong việc tự trang bị, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ mới như: máy dò ngang, máy nhận dạng tự động, máy thông tin liên lạc (TTLL) tầm xa. Chính quyền thành phố quan tâm hỗ trợ 645 máy, trang bị cho tổ TTĐKSX trên biển. Từ đó, hỗ trợ đắc lực cho việc TTLL trên biển ngày càng thông suốt, tạo thuận lợi cho việc nắm bắt thông tin kip thời giữa tàu với tàu; giữa BĐBP với các tàu khai thác hải sản ngoài khơi. Bằng các hoạt động kết nối chặt chẽ như vậy, nhiều năm qua, hội viên CCB, CQN cùng với ngư dân trên tàu hoạt động hiệu quả; là một “kênh TTLL quan trọng” giúp BĐBP và lực lượng chức năng khác theo dõi, xử lý nguồn tin, ngăn chặn kịp thời ngư dân nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam; tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển và các hoạt động an ninh trật tự trên địa phận biên giới biển.
Đến nay, T.P Đà Nẵng thành lập 112 Tổ TTĐKSX trên biển với 743 tàu nhằm hỗ trợ sản xuất, tương trợ cứu hộ, cứu nạn, tham gia giữ gìn an ninh chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trên biển. Trong các tổ TTĐKSX trên biển có khoảng 25% chủ tàu, thuyền trưởng, lái tàu và gần 60% là hội viên CCB, CQN, dự bị động viên, dân quân biển là lực lượng lao động thường xuyên theo tàu ra khơi sản xuất trên biển. Lực lượng này được rèn luyện, thử thách trong quân ngũ, nay về lại đời thường trong đội hình khai thác, đánh bắt hải sản là một lợi thế lớn. Vừa tham gia tuyên truyền, vận động ngư dân, vừa là lực lượng nòng cốt trong tham gia giữ gìn an ninh chủ quyền biển đảo, cứu hộ, cứu nạn trên biển.
Trong tổng số 73 tổ TTĐKSX trên biển của quận Sơn Trà, có 48 tổ khai thác xa bờ với 266 tàu có công suất 90CV trở lên. Là chủ của 3 con tàu hoạt động xa bờ, thuộc phường An Hải Tây, CCB Mai Văn Sáu cho biết: Lực lượng lao động theo tàu đa số là CCB, CQN, dân quân biển. Anh em đều xác định rõ, an ninh trên biển có ổn định mới thuận lợi cho sản xuất và an toàn khi có sự trợ giúp cứu hộ, cứu nạn trong khai thác, đánh bắt hải sản. Trách nhiệm của ngư dân là phải luôn coi trọng việc theo dõi, phát hiện tàu lạ để thông báo kip thời về đất liền.
CCB Trương Công Tiếp - tổ TTĐKSX trên biển phường Thọ Quang trao đổi: “Là chủ của 2 tàu cá, thường xuyên khai thác ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tôi luôn nhắc nhở lao động theo tàu chấp hành nghiêm Luật Biển, Luật Hàng hải và các quy định về hoạt động khai thác trên biển. Chúng tôi, những người đã qua rèn luyện, thử thách trong quân ngũ, nay về với đời thường tham gia trong lực lượng sản xuất trên biển, càng thấy được trách nhiệm của mình trong bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo...”.
Về kết quả của ngư dân tham gia TTLL trên biển, Trung tá Phạm Văn Hùng - Chính trị viên Đồn Biên phòng (BP) Phú Lộc, quận Thanh Khê cho biết: “Sáu tháng đầu năm 2019, các phương tiện trong 13 tổ TTĐKSX trên biển đã mở máy liên lạc theo quy định với ĐBP trên 900 lượt, cung cấp đươc nhiều nguồn tin có giá trị về an ninh trên biển. Trong đó có 4 nguồn tin thông báo 18 tàu, thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển khai thác hải sản trái phép; 4 tin/4 phương tiện của ngư dân được tổ chức cứu hộ kip thời. Đồn BP phối hợp với Hội Nông dân quận Thanh Khê tổ chức khảo sát và đăng ký một số phương tiện có năng lực vươn khơi sẵn sàng nhận nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo...
Trao đổi về sự cần thiết của các lực lượng ngư dân hoạt động ngoài khơi, Thượng tá Nguyễn Văn Thương - Trưởng ban Vận động quần chúng, BĐBP T.P Đà Nẵng cho biết: BĐBP đã tham mưu cho UBND các quận, phường ven biển thành lập các Tổ TTĐKSX trên biển. Nhiều năm qua, mô hình này hoạt động hiệu quả cả về nâng cao năng lực khai thác; sản xuất theo tổ trên cùng ngư trường nên sẵn sàng hỗ trợ giúp nhau khi cần sự giúp đỡ, cứu hộ, cứu nạn. Việc theo dõi tình hình an ninh trên biển, thông tin kịp thời theo tần số quy định với các đồn biên phòng cũng thực hiện tốt hơn. Mô hình “Tổ TTĐKSX trên biển” tại Đà Nẵng thực sự là “một điểm tựa” giúp ngư dân an tâm vươn khơi, bám biển và tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biển, đảo của Tổ quốc...
Nhân Mùi