CCB quân báo - lương y

CCB, lương y Lê Đình Nhượng đang chế biến thuốc.

CCB Lê Đình Nhượng ở thôn Phúc Ấm, xã Đồng Tiến, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa là người năng lực về nghiệp vụ trinh sát kỹ thuật tại chiến trường Tây Nguyên trong chiến tranh chống Mỹ. Ông cũng nổi danh với nghề thuốc đông y, chữa bệnh cứu người.

Lương y trở thành lính quân báo                                                

Lê Đình Nhượng sinh năm 1949, là học sinh giỏi cấp II toàn miền Bắc (1963-1966). Vì mồ côi bố mẹ từ năm 14 tuổi nên ông không có điều kiện học tiếp mà ở nhà kế tục tam đại (cụ, ông nội, chú ruột) làm thuốc trị bệnh cứu người.

Tháng 7-1967, Lê Đình Nhượng mang theo vốn gia truyền ấy nhập ngũ, huấn luyện tại Sư đoàn 338. Trên đường hành quân đi B, thấy đồng đội trượt chân, mu bàn tay va vào vách đá, chảy máu, ông lấy một thứ lá cây ở bên đường, nhai dập rồi rịt vào chỗ sứt ấy, cầm máu.

Vào chiến trường, theo biên chế mới, ông ở Đại đội trinh sát kỹ thuật C150  thuộc Ban Tham mưu, BTL Tây Nguyên. Ông cùng với 12 chiến sĩ sau khi được học về nghiệp vụ chuyên môn, đêm cũng như ngày dùng máy PRC25 nắm tình hình địch qua mật mã thông tin để báo cáo cấp trên. Yêu cầu tuyệt đối bí mật, chính xác, kịp thời. Nhờ thông minh và chí tiến thủ, Lê Đình Nhượng trưởng thành nhanh chóng. Ngày 28-1-1971, ông được Chi bộ C150 kết nạp vào Đảng

Trong những thành tích Lê Đình Nhượng lập ở chiến trường, có chiến công độc đáo trong Chiến dịch Tây Nguyên tháng 3-1975. Theo lời kể của ông, sau khi ta giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột (10-3) rồi đập tan cuộc phản kích của Sư đoàn 23 và 1 liên đoàn biệt động địch; trong 1 tuần (18 đến 24-3), ông đã thu và dịch chính xác, kịp thời báo cáo cấp trên hai tin cực kỳ quan trọng phát ra bằng mật mã của địch. Tin thứ nhất thu trong cuộc trao đổi lúc nửa đêm giữa 2 viên sĩ quan, cho thấy chắc chắn: Bộ chỉ huy Quân đoàn 2 ngụy đóng tại Pleiku đang chuẩn bị di chuyển về Nha Trang. Tin thứ hai, thu qua cuộc trò chuyện của 2 người lính có bố là quan chức, khẳng định: Toàn bộ lực lượng (địch) ở Đắc Lắc và Kon Tum - Gia Lai sẽ rút theo tỉnh lộ 7 qua Cheo Reo - Phú  Bổn. Nhờ đó, ta đã ứng phó rất hiệu quả đối với từng tình huống. Đặc biệt là bố trí Sư đoàn 320 và một số đơn vị khác tập kích địch rút chạy trên đường 7, tiêu diệt hầu hết lực lượng này, giải phóng Cheo Reo, Củng Sơn, kết thúc toàn thắng Chiến dịch Tây Nguyên ngày 24-3-1975. Sau chiến dịch, ông được thăng quân hàm vượt cấp, từ Hạ sĩ lên Thượng sĩ.

Với những thành tích ở chiến trường, Lê Đình Nhượng được Nhà nước tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Ba, 3 Huân chương Chiến sĩ Giải phóng (hạng Nhất, Nhì, Ba), 1 Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Ba; 5 lần được công nhận danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ.    

“Từ mẫu” giúp đời

Hòa bình, Lê Đình Nhượng phục viên, đi học kỹ thuật cơ khí rồi làm thợ máy tại Xí nghiệp ép dầu lạc Hàm Rồng (Thanh Hoá). Anh yêu nghề và có tinh thần làm chủ cao, 3 lần là Chiến sĩ thi đua của ngành công nghiệp Thanh Hóa.

Năm 1987, Lê Đình Nhượng hưởng chế độ mất sức lao động. Từ đây, ông cùng vợ và các con vượt qua những thăng trầm, tạo lập cơ sở vững chắc để nghề đông y gia truyền phát triển, trị bệnh cứu người.

Năm 2004, Ban LL truyền thống C150 tổ chức gặp mặt đồng đội ở Hà Nội. Thượng tướng Hoàng Minh Thảo - nguyên Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên biết Lê Đình Nhượng là chuyên gia đông y giỏi, giàu y đức nên đã “ra lệnh”: “Từ nay, đồng đội có bệnh gì, ông Nhượng chủ động cứu chữa. Gia đình người bệnh có nhiệm vụ đón tiếp ông Nhượng!”.

Năm 2005, ông Nhượng đến xã Hoàng Diệu (Gia Lộc, Hải Dương) chữa bệnh tâm thần cho CCB Trần Duy Biên. Ông tài trợ thuốc và kiên trì chữa cho ông Biên, đến cuối năm 2008 thì khỏi bệnh. Năm 2007, ông Nhượng chữa bệnh tai biến cho CCB Lê Đàm - nguyên Chính trị viên C150, ở thôn Thanh Sầm (Đồng Thanh, Kim Động, Hưng Yên). Khi gặp nhau, ông Đàm không nhận ra chiến sĩ của mình, nói không rõ tiếng, cứ quay mặt đi. Ông Nhượng lập chương trình dùng thuốc... ba tháng một lần, ông đến kiểm tra bệnh trạng. Qua 2 năm, ông Đàm đã chống gậy đi lại được và xem ti vi một cách chủ động.

…Lương y Lê Đình Nhượng dày công chữa “hiếm muộn”, chữa các bệnh về đái tháo đường, xương khớp, dạ dày, đại tràng, tim to, sa tim, sa dạ dày, sa dạ con, sa trĩ và tai biến não, đạt hiệu quả cao… Với những bệnh thông thường, ông hướng dẫn người bệnh tự chữa khỏi, không phải tốn tiền. Ông miễn từ 30% tiền thuốc cho CCB; giảm tối đa cho đồng đội C150; giúp đỡ đối với trẻ mồ côi, người tàn tật, người không có khả năng lao động… Ông tự tay chế biến thuốc, tuyệt đối không dùng chất bảo quản…

CCB quân báo - lương y Lê Đình Nhượng tâm niệm: “Dẫu ngày mai phải chết, thì hôm nay vẫn giữ vững danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ, lương y - từ mẫu…”.

Phạm Xưởng