CCB Phan Xuân Đức: Phát huy phẩm chất chiến sĩ Điện Biên
Thiếu tá Phan Xuân Đức (đứng hàng trước, thứ hai bên phải) là đại biểu dự Đại hội Đại biểu Quân khu 5 (năm 1981).
Tôi đến thăm ông và thông báo về cuộc gặp mặt kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập Sư đoàn 359. Nghe thông tin cuộc họp mặt Sư đoàn, ông vui lắm, gương mặt rạng ngời và “khoe”: “Đợt này, tỉnh Hà Tĩnh cũng mời bác đi dự Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đó”.
Ông là Phan Xuân Đức - CCB từng chiến đấu ở Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Ông Đức sinh năm 1932, tại làng quê nghèo bên dòng sông Ngàn Phố thuộc xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Nhập ngũ năm 1952, sau thời gian huấn luyện, ông về nhận nhiệm vụ tại Đại đội 18 - pháo 12 ly 7, Tiểu đoàn 351, Sư đoàn 312.
Tham gia chiến dịch Điện Biên phủ. Đại đội pháo của ông đóng ở phía tây Hồng Cúm, ngày đêm chặn đánh, khống chế máy bay địch thả dù tiếp tế quân lương, vũ khí... Ngay những ngày đầu Chiến dịch, Đại đội của ông đã bắn hạ 2 máy bay địch. Cùng với các đơn vị pháo từ các ngọn đồi nhả đạn đỏ rực bầu trời và khống chế tất cả các đường bay, góp phần làm nên trang sử vẻ vang của dân tộc. Kết thúc chiến dịch, cuối năm 1954, cả sư đoàn di chuyển sang chiến đấu tại chiến trường Thượng Lào. Những phẩm chất tốt đẹp của người chiến sĩ Điện Biên được ông giữ gìn, phát huy trong suốt quãng đời phục vụ cách mạng sau này, kể cả khi ông đã nghỉ hưu.
Với nhiều thành tích trong chiến đấu, ông Đức được chọn cử đi học sĩ quan tại Thủ đô Hà Nội. Năm 1963, tốt nghiệp và trở thành sĩ quan, ông được điều về làm chính trị viên Đại đội 12 thuộc Binh chủng ra-đa đóng quân tại dốc Lộc Đại, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Những năm chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Đại đội ra-đa 12 của ông lập công xuất sắc và được Nhà nước phong tặng đơn vị Anh hùng LLVTND.
Khi giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc năm 1972, ông Phan Xuân Đức được nhận nhiệm vụ làm Chính ủy Trung đoàn ra-đa 293, bảo vệ Thủ đô Hà Nội. Cùng với các đơn vị tên lửa, pháo Phòng không - Không quân, Trung đoàn 293góp phần quan trọng làm nên chiến thắng trên không và được Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng LLVTND.
Năm 1979, khi chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc xảy ra, Bộ Quốc phòng Quyết định thành lập Sư đoàn huấn luyện 359, ông được điều về làm Chính ủy Trung đoàn 1, Sư Đoàn 359. Sau đó ông lại tham gia truy quét fulro và xây dựng kinh tế, bảo vệ tuyến biên giới ở Tây Nguyên.
Tháng 7-1983 ông Đức nghỉ hưu về địa phương với quân hàm Trung tá. Trở về quê hương, chưa kịp nghỉ ngơi, ông bắt tay ngay vào công tác ở địa phương với các vị trí: Tổ trưởng tổ dân phố; Bí thư Chi bộ tổ dân phố; Chủ tịch MTTQ phường; Chủ tịch Hội CCB phường. Với cương vị nào, ông cũng nhiệt huyết, trách nhiệm, cống hiến hết mình. Đến năm 2011 ông mới chính thức nghỉ công tác, tập trung chăm lo xây dựng gia đình, nuôi dạy con cháu trở thành những công dân tốt.
Hiện nay ông sống với người con trai thứ ba tại phường Tân Giang, T.P Hà Tĩnh. Sáng, chiều ông đi bộ, tưới cây cảnh, chăm sóc vườn rau, tập yoga để rèn luyện sức khỏe. Nhờ thế, tuy dáng người nhỏ, hao gầy nhưng ông vẫn nhanh nhẹn, minh mẫn.
92 tuổi đời, gần 70 năm tuổi Đảng, CCB Phan Xuân Đức luôn trung thành tuyệt đối với lý tưởng của Đảng, cả cuộc đời làm cách mạng cho đến nay, ông vẫn luôn cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư....
Nâng niu từng tấm Huân chương, Huy chương, Bằng khen, Giấy khen của ông được tặng thưởng qua các thời kỳ công tác cả khi ở trong và ngoài Quân đội. Đôi mắt ông ánh lên niềm vui khi ngắm lại từng tấm ảnh từ những lần đi dự Đại hội Đảng bộ các cấp. Ông nói với tôi mà như tự sự với chính mình “Cả cuộc đời của bác đều dành cho Đảng cho dân...”. Ông thật xứng đáng là tấm gương sáng để tôi và mọi người noi theo.
Lê Thị Hạnh Lý