CCB Nguyễn Đình Liên: Làm giàu và biết sẻ chia trên đất Tây Nguyên

CCB Nguyễn Đình Liên (bên phải) trong ngôi nhà mới của gia đình CCB Trương Doãn Thí, thôn Hà Nam Ninh, xã Đắk Môl, do Hội CCB huyện Đắk Song giúp đỡ.

Đi lên từ đất, quyết chí làm giàu

Cũng như bao bạn bè cùng thế hệ, thực hiện nhiệm vụ cao cả của thanh niên đối với Tổ quốc, năm 1983, Nguyễn Đình Liên, quê Mỹ Thành, Yên Thành, Nghệ An nhập ngũ. Sau 3 năm làm lính Binh đoàn 11 tham gia xây dựng Quân đội, làm kinh tế và thực hiện nghĩa vụ quốc tế giúp bạn Lào, năm 1986, anh ra quân, chuyển ngành về công tác tại Lâm trường Đắk Min, thuộc Liên hiệp I tỉnh Đắk Lắk.

Trở về với cuộc sống đời thường, trên trận tuyến mới, với bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, CCB Nguyễn Đình Liên lại cùng đồng nghiệp lội suối trèo đèo, cơm nắm, nước chai…, tuần tra, thực hiện các phương án trồng và bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên của đất nước.

Năm 1995, để ổn định gia đình, anh quyết định đưa vợ từ quê vào lập nghiêp ở Đắk Min. Nhớ lại những ngày đầu gây dựng cơ nghiệp ở Tây Nguyên, Nguyễn Đình Liên, ngậm ngùi bộc bạch: “Một thân một mình vất vả không sao, nhưng để ổn định gia đình quả không đơn giản. Là cán bộ lâm trường, đồng lương ít ỏi, vợ không việc làm… Vì vậy, khởi nghiệp trên quê hương mới, gia đình gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn. Vốn không, đất đai không, chỉ hai bàn tay trắng… Nhưng với nghị lực, ý chí trui rèn từ trong quân ngũ, tôi quyết không chịu khoanh tay trước đói nghèo…”.

Xuất thân từ nông thôn, thấy được thế mạnh của quê mới là đất, CCB Nguyễn Đình Liên quyết tâm đi lên từ đất. Với chút vốn liếng ít ỏi, vợ chồng mua sắm một ít công cụ sản xuất gia đình, để rồi hằng ngày vợ làm thuê trồng trọt, chăm sóc nương rẫy. Chồng sau giờ làm việc ở Lâm trường, trở về cũng là một “lão nông tri điền” và giúp vợ việc nhà. “Thuận vợ thuận chồng, tát cạn Biển Đông!”. Cần cù lao động, không ngại khó ngại khổ và “năng nhặt chặt bị” từ chắt chiu trong lao động, vợ chồng anh đã tích lũy mua được 1ha rẫy để độc lập canh tác.

Có đất, lại cần cù lao động, biết “lấy ngắn nuôi dài”, anh đã từng bước mở rộng sản xuất từ trồng trọt, chăn nuôi. Ý chí của người xứ Nghệ lại được trui rèn qua quân ngũ, nên khát vọng làm giàu chính đáng cho gia đình và xã hội không bao giờ lơi lạt trong CCB Nguyễn Đình Liên. Trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả, từ 1ha, gia đình anh mở rộng đất đai lên 10ha, chuyên canh cà phê, bơ, sầu riêng… Rồi từ trồng trọt, chăn nuôi, anh mở rộng sang lĩnh vực kinh doanh xăng dầu và kinh doanh dịch vụ. Đến nay, ngoài 10ha rẫy, được canh tác cho hiệu quả tốt, gia đình anh có một cửa hàng kinh doanh xăng dầu, một cửa hàng bách hóa tự chọn. Tổng doanh thu từ sản xuất kinh doanh mỗi năm trên 5 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 1,5 tỷ đồng. Là cơ sở sản xuất gia đình, nhưng anh thường xuyên bảo đảm việc làm, thu nhập cho 20 lao động, với thu nhập bình quân hơn 7 triệu đồng/người/tháng.

Cán bộ Hội gương mẫu, biết sẻ chia

Năm 2017, CCB Nguyễn Đình Liên được lãnh đạo huyện Đắk Song giao giữ chức vụ Chủ tịch Hội CCB huyện. Vinh dự đi cùng trách nhiệm. Nhận nhiệm vụ mới trong điều kiện hội viên và người dân địa phương còn nhiều khó khăn, ông luôn trăn trở: “…Không phải giờ đây được giao làm Chủ tịch Hội CCB huyện, mà từ khi làm ăn có được thành quả bước đầu, tôi luôn nghĩ tới những gian truân ngày đầu lập nghiệp; nhận thấy đồng đội mình và bà con lao động còn nhiều khó khăn. Phải làm gì để giúp đồng đội và bà con vươn lên thoát nghèo… là câu hỏi luôn canh cánh trong tôi…”.

Từ suy nghĩ, trăn trở đó, năm 2008, Nguyễn Đình Liên thống nhất cùng vợ, con hỗ trợ 3 hộ gia đình: bà Nhã, ông Châu, ông Mười (khi ông Mười mất, ông hỗ trợ cho gia đình ông Thắng) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mỗi năm mỗi hộ 7,5 triệu đồng và thực hiện suốt từ đó cho đến nay, với tổng số tiền hơn 100 triệu đồng. Ngoài ra, ông thường xuyên vận động gia đình gương mẫu tham gia các chương trình an sinh xã hội của địa phương với số tiền hơn 100 triệu đồng.

Trên cương vị Chủ tịch Hội CCB huyện, Nguyễn Đình Liên chủ động cùng tập thể lãnh đạo Hội gương mẫu đóng góp rồi vận động hội viên và các nhà “hữu sản hữu tâm” ủng hộ để từng bước xóa nhà tạm cho hội viên. Với quỹ Hội, mỗi năm Hội CCB huyện giúp được từ 3-4 hội viên xóa nhà tạm, cộng với nguồn vận động bên ngoài, từ năm 2016 đến tháng 5-2021, đã xây dựng được 33 Nhà tình nghĩa cho hội viên (mỗi căn từ 50-60 triệu đồng). Hội CCB huyện cũng huy động được gần 700 triệu đồng để xây dựng được 7 công trình công cộng chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện.

Từ kinh nghiệm sản xuất kinh doanh của bản thân, Nguyễn Đình Liên còn chủ động quan hệ với các cấp, ngành giúp hội viên tiếp cận các nguồn vốn của Ngân hàng CSXH và nguồn quỹ “Vì đồng đội” của huyện Hội, được hơn 4 tỷ đồng, giúp 400 hộ sản xuất kinh doanh để thoát nghèo. Đồng thời, kinh nghiệm đi lên từ đất là cơ sở để ông hướng dẫn hội viên kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả, thiết thực xóa đói, giảm nghèo trong Hội CCB huyện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu, tỷ lệ hộ sản xuất kinh doanh giỏi tăng đáng kể.

Nói về CCB, doanh nhân Nguyễn Đình Liên, Phó chủ tịch Hội CCB tỉnh Đắk Nông - Kchoi cho biết: Nguyễn Đình Liên là mẫu mực của CCB tự vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng và chính kinh nghiệm của bản thân anh cũng giúp cho nhiều hội viên thoát nghèo. Anh là người biết sẻ chia cho đồng chí và đặc biệt là các gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn…; được hội viên và nhân dân yêu quý, tin tưởng.

Với thành tích làm kinh tế, hoạt động Hội và công tác xã hội - thiện nguyện, CCB Nguyễn Đình Liên nhiều năm liền được vinh danh là Hội viên SXKD giỏi cấp Trung ương; được tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp, các ngành.

Duy Nguyễn