CCB Ngô Bá Lĩnh: Làm giàu từ mô hình “Vườn - ao - chuồng - rừng”
CCB Ngô Bá Lĩnh (bên trái) giới thiệu mô hình VACR của gia đình cho lãnh đạo Hội CCB tỉnh.
Năm 1985, hoàn thành nghĩa vụ tại ngũ, CCB Ngô Bá Lĩnh, rời quê Tuy Hòa - Phú Yên, lên huyện Sông Hinh lập nghiệp. Suốt 15 năm trên vùng quê mới, ông đã làm đủ thứ nghề để mưu sinh. Nhớ về những tháng ngày cơ cực đó, CCB Ngô Bá Lĩnh không giấu nỗi ngậm ngùi: Ban đầu, tôi làm việc cho một cửa hàng thương nghiệp, nhưng chỉ ít lâu sau, cửa hàng giải thể. Hai bàn tay trắng, tôi bươn chải kiếm tiền nuôi gia đình bằng mọi việc có thể, từ đi mót sái vàng đến dựng lều sửa xe ở góc chợ…
May mắn được đồng đội cũ truyền dạy cho nghề khò vàng, ông Lĩnh mở một cửa hiệu nhỏ, vừa làm nghề, vừa kinh doanh vàng. Thời gian này, huyện Sông Hinh đang rộ việc làm vàng sa khoáng, nên cửa hiệu của ông hoạt động có hiệu quả; đời sống gia đình dần ổn định.
Từ năm 2000, việc làm vàng sa khoáng dần dần lắng xuống, trong khi Nhà nước chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển trồng cây công nghiệp… CCB Ngô Bá Lĩnh quyết định bỏ phố lên rừng, tìm hướng đi mới. Người tiên phong “khai sơn phá thạch” thường gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Miền tây huyện Sông Hinh lúc này đường sá đi lại hết sức gian nan; đất rộng, người thưa, đến đâu cũng thấy đất đai hoang hóa, cỏ mọc um tùm… Là người lính, khó khăn không chùn bước, ông Lĩnh len lỏi theo lối mòn hơn một chục cây số đến xã Eabar và quyết định cư ở đây.
Với vốn liếng tích cóp được từ những năm làm vàng, ông Lĩnh mua 3ha đất để canh tác. Tiếp đó, vừa canh tác, ông cùng gia đình để công khai hoang phục hóa. “Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”! Bằng ý chí, sức lực tự thân, một thời gian sau, gia đình ông đã có 10ha đất. Toàn bộ diện tích đất đó, ông đầu tư trồng cà phê. “Nhưng do bất lợi về thời tiết thiên nhiên cũng như “thời tiết thất thường” của thị trường cà phê, cộng với đường sá lưu thông cách trở, nên trồng cà phê đã đưa tôi vào ngõ cụt, càng đầu tư càng thua lỗ nặng” - CCB Ngô Bá Lĩnh cho hay.
Khó khăn thực tế là bài toán đòi hỏi CCB Ngô Bá Lĩnh phải có lời giải. “Nếu bỏ rẫy về quê, thì tâm huyết và công sức bao nhiêu năm qua trở nên vô nghĩa. Nhưng làm gì để cả chục héc-ta đất trong tay đẻ ra tiền, đòi hỏi tôi phải suy tính, trăn trở rất nhiều” - ông Lĩnh bộc bạch. Và lại một lần nữa không khoanh tay chịu đói, ông nghiên cứu, học hỏi thêm một số doanh nghiệp, cá nhân, thấy đất đai, thổ nhưỡng ở đây hợp với cây cao su, nên quyết định tập trung vốn liếng trồng cao su. Ban đầu, ông đầu tư trồng 3ha; sau đó trồng hết diện tích còn lại. Đến năm 2009, cây cao su cho thu hoạch mủ, đem lại lợi nhuận cho gia đình ông.
Quyết định đầu tư trồng cao su của CCB Ngô Bá Lĩnh đúng vào thời điểm mủ cao su đang được gía trên thị trường, nên với hơn 10ha cao su đã cho ông nguồn thu nhiều trăm triệu đồng mỗi năm. Từ hiệu quả của trồng cao su, ông mua thêm 60ha đất, đầu tư trồng keo lai và cây ăn quả, theo hình thức cuốn chiếu: từ 20ha trồng keo lai, sau đó đầu tư trồng rộng ra… Đến năm 2016, ngoài diện tích trồng keo lai, gia đình có trên 10ha trồng cây ăn quả, gồm 1.600 cây sầu riêng, 300 cây bơ, 400 cây bưởi, 500 cây mít Thái, 500 trụ tiêu. Với kế sách “lấy ngắn nuôi dài”, bên cạnh cây lâu niên, ông cho trồng xen 5.000 gốc chuối cấy mô và sắn cao sản; đào thêm ao thả cá vừa để lấy nước tưới cây… Với tổ hợp mô hình “Vườn - ao - chuồng - rừng” và kinh doanh vàng, hộ gia đình CCB Ngô Bá Lĩnh mỗi năm thu nhập 1,8 tỷ đồng; nộp ngân sách đầy đủ theo quy định; bảo đảm việc làm thường xuyên cho trên 30 lao động địa phương, với thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.
Cũng như nhiều doanh nhân CCB khác, cùng với tiên phong trên mặt trận làm kinh tế, làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình, đóng góp cho xã hội, CCB Ngô Bá Lĩnh khi đã thành đạt trong sản xuất kinh doanh vẫn không quên trách nhiệm với cộng đồng, đồng đội. Không chỉ truyền đạt kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, tạo việc làm thu nhập cho CCB, người dân địa phương, ông còn gương mẫu đi đầu trong các phong trào xóa đói giảm nghèo, xây dựng Nông thôn mới; hỗ trợ về tài chính cho nhiều hoạt động của Hội CCB xã, thôn, bản. Từ năm 2016 đến 2020, gia đình ông đã dành 100 triệu đồng cho các hoạt động xã hội, thiện nguyện.
Với thành tích sản xuất kinh doanh và hoạt động xã hội, 5 năm liên tục từ 2016-2020, CCB Ngô Bá Lĩnh được công nhận là Hội viên sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, được các cấp Hội tặng nhiều Bằng khen, Giấp khen.
Duy Nguyễn