CCB làm giàu nơi một thời “Xe chưa qua, nhà không tiếc”
Mô hình nuôi cá lồng của CCB tổ dân phố Phú Bình, thị trấn Quán Hàu.
Thời đánh Mỹ, ai đã từng hành quân qua quốc lộ 1A để vào Nam chiến đấu, không thể nào quên phà Quán Hàu ở tỉnh Quảng Bình, nơi ra đời vần thơ “Xe chưa qua nhà không tiếc/ Đường chưa thông không tiếc máu tiếc xương”.
Nếu như trên đất nước hình chữ S này chỗ hẹp nhất là Quảng Bình, là “cán xoong chảo lửa” thì Quán Hàu là điểm giữa của cái “cán xoong” nóng bỏng ấy. Đây là điểm “yết hầu”, “huyết mạch”, là cầu nối giao thông đặc biệt quan trọng giữa hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, cũng là một trong những điểm vượt sông trọng yếu của tuyến đường Hồ Chí Minh lịch sử.
Tại nơi đây, không quân Mỹ đã tập trung đánh phá bằng nhiều thủ đoạn, với khối lượng bom đạn dày đặc dội xuống suốt ngày đêm, biến nơi đây thành một “tọa độ lửa” hòng ngăn chặn nguồn lực từ hậu phương vào tiền tuyến, cắt đứt mạch máu giao thông. Hai bờ Bắc - Nam phà Quán Hàu là nơi địch tập trung bắn phá ác liệt nhất. Nhiều chiến sĩ, TNXP, dân công hỏa tuyến và nhân dân đã hy sinh để bảo đảm mạch máu giao thông, bảo vệ sự sống của những chuyến phà chở bộ đội và hàng hóa vào chiến trường, tất cả vì sự nghiệp giải phóng miền Nam. Trong 8 năm chống chiến tranh phá hoại và chi viện cho chiến trường, bến phà Quán Hàu đã vận chuyển hàng trăm triệu tấn hàng hóa, hàng chục vạn lượt bộ đội cùng vũ khí trang bị, trong đó có pháo hạng nặng, tên lửa… vào mặt trận.
Đất nước hòa bình thống nhất, bến phà Quán Hàu hoàn thành sứ mệnh lịch sử, năm 2000, một cây cầu hiện đại bắc qua sông Nhật Lệ, phà không hoạt động nữa nhưng mỗi lần đi qua, ai cũng bồi hồi nhớ lại một thời đánh Mỹ hào hùng, nhớ những chuyến phà đêm hướng về Nam, nhớ người lái ca nô cảm tử phá bom từ trường, những bà con dỡ nhà lót đường cho xe qua. Phà Quán Hàu trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia, cũng là “địa chỉ đỏ” để các CCB tổ chức kể chuyện truyền thống, giáo dục cho thế hệ trẻ.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương, CCB xã Võ Ninh ở bờ Nam và Quán Hàu ở bờ Bắc bến phà xưa đã biết phát huy lợi thế vùng cồn bãi, sông nước để phát triển kinh tế gia đình.
Nếu như CCB ở xã Võ Ninh tích cực khai hoang đầm lầy, san lấp các bãi hoang, các hố bom để làm hồ nuôi tôm, nuôi cua, thành lập các trang trại cho thu nhập khá thì các hội viên ở Quán Hàu có nhiều mô hình về nuôi trồng thủy sản rất phong phú. Chúng tôi vừa đến thăm chi hội CCB thôn Phú Bình của thị trấn Quán Hàu, nhiều người bỡ ngỡ với sự đổi thay nhanh chóng của mảnh đất năm xưa bị bom đạn san phẳng.
Từ phía cầu Quán Hàu mới, tới khu vực Cồn Soi dài hơn 1km có nhiều lồng bè nuôi thủy sản. Đồng chí Nguyễn Văn Bách - Chi hội phó CCB tổ dân phố Phú Bình cho biết: “5 năm trước, từ một gia đình CCB thí điểm nuôi cá lồng, hiện nay chi hội có 5 hội viên chăn nuôi thủy sản, tạo việc làm cho gần 100 nhân công. Các gia đình CCB chủ yếu nuôi cá vược, cá dìa, sau 6 tháng thu hoạch được khoảng 2 tấn, doanh thu trên 200 triệu đồng/vụ. Nếu nuôi cá mú thì thu nhập trên 500 triệu đồng/năm nhưng phải đầu tư vốn nhiều hơn. Cá mú là loại đặc sản, khách hàng rất ưa chuộng vì thịt rất ngon, với giá bán 300.000 đồng/kg nhưng sản xuất cung không đủ cầu. Sắp tới chúng tôi sẽ phát triển nuôi thêm loại cá này để đẩy mạnh phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững”.
Ngoài chăn nuôi cá lồng, các hội viên còn phát huy truyền thống làng nghề nuôi hàu. Địa danh này gọi là Quán Hàu vì ở đây rất nhiều hàu. Ngày xưa hàu tự nhiên rất nhiều, nay nhu cầu tăng nên bà con thả hàu ở đáy sông, sau vài tháng thu hoạch, mỗi năm cũng thu được vài chục triệu đồng từ khai thác hàu. Chính vì năng động trong phát triển kinh tế, biết khai thác tiềm năng lợi thế từ vùng sông nước, nên thu nhập của hội viên CCB thị trấn ngày càng tăng, nhiều gia đình xây nhà cửa rất khang trang. Hội CCB thị trấn Quán Hàu hiện nay không có hộ CCB nghèo, chân quỹ của các hội viên ở 6 chi hội đạt 1,2 triệu đồng/người trở lên, góp phần xây dựng Hội CCB vững mạnh.
Đồng chí Lê Viết Bốn - Chủ tịch Hội CCB thị trấn Quán Hàu tâm sự: “Ngoài các mô hình nuôi cá lồng, bên kia Cồn Soi, nơi những chiếc phà thường neo đậu năm xưa, đang có dự án làm khu du lịch sinh thái. Cùng với vẻ đẹp của sông Nhật Lệ, chắc chắn Quán Hàu sẽ ngày càng giàu đẹp hơn”.
Bài và ảnh: Xuân Vui