CCB huyện Minh Hóa (Quảng Bình): Hỗ trợ hội viên ổn định cuộc sống
Lãnh đạo Hội CCB tỉnh tham quan mô hình nuôi ong của CCB Đinh Xuân Khách, xã Xuân Hóa (Minh Hóa).
Hội CCB huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình có trên 95% hội viên làm nông nghiệp, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo trong Hội còn cao. Thực hiện phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, Hội CCB các cấp tập trung tuyên truyền, vận động hội viên phát huy ý chí tự lực, tự cường, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.
Bằng các hình thức như góp vốn, gây quỹ cho hội viên vay không lấy lãi, tạo điều kiện giúp hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, trong đó có nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng CSXH để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, đến nay, toàn huyện có 29 tổ vay vốn, 2.300 lượt hội viên được vay, với số dư nợ trên 54 tỷ đồng.
Phần lớn hội viên được vay các nguồn vốn đều quản lý, sử dụng vốn vay hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập. Các cấp Hội còn vận động hội viên tham gia các lớp tập huấn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chú trọng trồng rừng và chăn nuôi để vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Nhờ đó, phong trào làm kinh tế trong các cơ sở Hội ngày càng được lan tỏa, trên địa bàn xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh tiêu biểu. Tiêu biểu là CCB, thương binh Cao Văn Hường - Chủ nhiệm CLB “CCB sản xuất, kinh doanh giỏi” của huyện, qua nhiều năm sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, đến nay, ông đã làm chủ dây chuyền máy sản xuất gạch liên hoàn, thu lãi từ 2-5 tỷ đồng/năm. Thực hiện công tác nghĩa tình đồng đội, ông đã ủng hộ đồng đội khó khăn trên 200 triệu đồng.
Phát huy thế mạnh của địa bàn miền núi, nhiều hội viên tập trung phát triển mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi và được nhân rộng tại các cơ sở hội trong toàn huyện. Điển hình có CCB Đinh Xuân Khách (xã Xuân Hóa) nuôi 200 đàn ong, mỗi năm thu trên 500 lít mật, với doanh thu trên 350 triệu đồng; CCB Đinh Xuân Hiền (xã Trung Hóa) nuôi 40 đàn ong, kết hợp chăn nuôi bò, cá, gà cho thu nhập bình trên 100 triệu đồng/năm; CCB Đinh Minh Phụng (xã Tân Hóa) trồng rừng, cao su, nuôi ong, kinh doanh dịch vụ ô tô, thu lãi 200 triệu đồng/năm…
Về kinh tế tập thể, nổi bật có Hội CCB xã Tân Hóa những năm gần đây xây dựng và nhân rộng mô hình HTX và tổ hợp tác CCB làm kinh tế. Cán bộ, hội viên luôn đoàn kết, chung sức, góp vốn, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, thành lập các tổ hợp tác vừa trồng rừng, vừa chăn nuôi gia súc, hoạt động rất hiệu quả.
Có nhiều tổ hợp tác của CCB cho thu nhập từ 150-200 triệu đồng/năm. HTX Thủy nông do Hội CCB xã Tân Hóa quản lý cũng là mô hình mới, hoạt động tốt, góp phần cùng nhân dân phát triển kinh tế trên địa bàn một xã khó khăn hàng năm phải đối mặt với nhiều đợt thiên tai, lũ lụt.
Đặc biệt, Hội CCB huyện Minh Hóa luôn quan tâm đến công tác phát triển kinh tế ở địa bàn các xã khó khăn, giáp biên giới, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, như: Trọng Hóa, Dân Hóa… Hội thường xuyên động viên, hướng dẫn các cơ sở Hội khó khăn và tạo mọi điều kiện thuận lợi để hội viên được tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nhất là kỹ thuật trồng lúa nước, trồng rừng, trồng cây ăn quả, nuôi ong lấy mật…
Với phương pháp “cầm tay chỉ việc” và hỗ trợ, tạo mọi điều kiện cho vay vốn, giống để sản xuất, nhiều hội viên CCB ở các xã vùng cao, vùng khó khăn đã thoát nghèo, đời sống kinh tế ngày càng cải thiện.
Nhờ sự quan tâm của Hội CCB và các ngành, các cấp nên những năm gần đây, CCB trong huyện phát triển kinh tế hiệu quả. Tỷ lệ hội viên CCB nghèo giảm mạnh, hộ khá và giàu chiếm trên 61%. Chân quỹ của hội viên và quỹ Hội của một số cơ sở cao hơn các đơn vị khác trong tỉnh. Đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, hội viên được nâng lên rõ rệt.
Phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” của Hội CCB Minh Hóa trở thành phong trào thi đua sôi nổi, tạo động lực để thúc đẩy các phong trào thi đua khác, đồng thời làm cơ sở để góp phần xây dựng hội vững mạnh toàn diện.
Phạm Văn Vui